Tô trát tường, trần

Bài viết hướng đến người đọc là các quý chủ nhà nên không đi sâu vào kỹ thuật tô trát, các bước tiến hành mà chỉ nêu các nội dung chung, các vấn đề cần theo dõi, quản lý chất lượng.

Trát tường, trần (miền Nam gọi là tô tường) là việc đắp lên tường xây gạch, vách bê tông, trần bê tông một lớp vữa xi măng rồi làm phẳng.
Việc tô trát tường và trần cơ bản giống nhau về kỹ thuật, nhưng tô trát trần khó hơn về độ bám dính nên cần đắp lớp bên trong trước, chờ khô rồi mới tiến hành tô trát hoàn thiện.
Chất lượng tô trát ảnh hưởng cả đến an toàn (nứt, rơi lớp này) và thẩm mỹ công trình.
Vài chú ý với công tác này:
Vật tư đầu vào: Vữa tô trát thường chỉ gồm xi măng và cát hạt trung trộn với nhau. Chất lượng xi măng thường dễ đảm bảo, nhưng chất lượng cát trộn có thể có vấn đề ở việc hạt mịn hay thô, có lẫn đất và tạp chất, cát có bị nhiễm mặn,…. Cát trước khi đưa vào trộn cùng xi măng phải được sàng bằng các sàng mắt lưới nhỏ để loại bỏ các rác bẩn. Cát nhiễm mặn sẽ làm cho lớp vữa hư hỏng sau thời gian ngắn sử dụng. Cát mặn độ mặn ít (khi chủ vựa cát cố tình trộn ít cát mặn vào cát sạch để tăng lợi nhuận) không nhận biết dễ bằng cách thông thường mà tốt nhất nên xác định trong phòng thí nghiệm. Xin xem thêm bài viết Vật tư chính
Chuẩn bị: Cần chuẩn bị kỹ mặt bằng thi công tô trát, nơi trộn vữa (nếu vữa tự trộn), nguồn nước, nhân lực, ánh sáng,…
Bề mặt trước khi tô trát phải được làm sạch, phải phun nước làm ướt để việc bám dính dễ hơn. Các bề mặt khó bám dính, nhẵn cần được chuẩn bị một lớp tạo nhám trước đó, có thể là vẩy một lớp hồ tinh xi măng trộn nước lên, hoặc làm nhám bằng cách đục đẽo, mài,…. hoặc kết hợp cả hai.
Đắp mốc tô trát: Người thợ phải tiến hành khảo sát toàn bộ mặt tường sẽ tiến hành công tác, xác định các chỗ lồi, lõm của tường. Nếu quá lồi ra so với tổng thể chung thì phải đục bớt. Sau đó tiến hành căng dây, đắp các mốc chuẩn cho toàn bộ bức tường. Độ dày lớp tô trát tiêu chuẩn 1,5-2cm.
Nếu độ phẳng của tường không tốt, người thợ phải đắp vữa lót chờ tương đối khô rồi mới trát tiếp bề mặt; nếu độ phẳng tốt có thể tiến hành trát một lần. Như vậy việc xây tường phẳng sẽ tiết kiệm nhiều công sức và vật liệu và tiến độ khi tô trát tường. Muốn vậy cần gạch tốt, kích thước đều và tay nghề thợ tốt.
Tỷ lệ trộn vữa: Vữa để tô trát là vữa cát mịn trộn xi măng theo tỷ lệ được hướng dẫn ghi trên nhãn bao xi măng để tạo ra mác vữa theo thiết kế (thường là mác 75). Tốt nhất là nên dùng vữa trộn sẵn được đóng bao, được SX bới các công ty uy tín. Việc đong vật liệu đầu vào cần được sử dụng các xô, hộc chuyên cho việc đong này.
Việc tự trộn vữa tại công trình rồi tô trát cần được quản lý chặt chẽ, chủ yếu ở tỷ lệ trộn, chất lượng vật tư đầu vào, nước trộn phải sạch, mức độ kỹ lưỡng khi trộn.
Kỹ thuật của người thợ: Tay nghề thợ luôn là yếu tố quan trọng trong xây dựng. Thợ có tay nghề sẽ làm tiến độ nhanh, tiết kiệm vật tư, chất lượng công việc đảm bảo. Quý gia chủ nên có người am hiểu kỹ thuật giám sát xây dựng để đánh giá tay nghề thợ sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nhiều chi phí giám sát này.
Để việc tô trát được dễ dàng, rất nhiều đội thợ xây sẽ trộn sẵn một xô vữa + xi măng để khô, khi tô trát sẽ hất hỗn hợp khô này lên tạo bề mặt nhanh khô, cán bằng thước dễ hơn. Việc này dễ làm cho thợ nhưng rất tai hại, vì xi măng sẽ không đủ nước để phản ứng, sau này dễ gây nứt vỡ bề mặt.
Yêu cầu kỹ thuật: Lớp tô trát có bề mặt phẳng, các vệt nối giữa các đợt tô trát ăn nhập nhau, bề mặt mịn, không nứt nẻ sau khi vữa khô. Một số tổ thợ thường dùng vữa khô hất vào bề mặt lớp vữa làm khô nhanh dễ thi công, tăng năng suất nhưng sẽ làm cho lớp vữa đó không “hút” đủ nước (chuyên môn gọi là thủy hóa), làm cho bề mặt sẽ bị nứt nẻ.

Kiểm tra: Bằng ánh sáng, khi gắn một đèn điện áp vào tường và đứng từ xa nhìn sẽ rõ chất lượng bề mặt. Thêm nữa cách kiểm tra bằng thước dài 2-3m, khi áp thước vào thấy bề mặt thước và tường sát nhau, không khoảng cách, dùng thước áp vào tường và di chuyển để kiểm tra toàn bộ bề mặt. Hiện nay thêm công nghệ kiểm tra bằng đèn laze cũng rất hiệu quả, dễ phát hiện ra các lỗi của lớp tô trát. Với các góc như góc cột, góc tường thì sử dụng các thước góc vuông để kiểm tra độ vuông khi tô trát góc.
Gờ chỉ cắt nước: Tại các góc giao nhau giữa tường ngoài trời và trần hoặc dầm / đà cần thiết phải đắp gờ chỉ cắt nước. Để nước chảy theo tường xuống thì không chảy vào bụng trần. Đây là điều cơ bản nhưng cũng rất nhiều tổ thợ quên (hoặc cố tình quên vì khá mất công khi thi công nếu đắp gờ bằng vữa xi măng) dẫn đến mai sau sử dụng nước chảy vào theo bụng dầm, sàn sẽ tạo các vệt ố rất xấu. Hiện nay trên thị trường đã có sản phẩm bằng nhựa cố định tạo khuôn đắp vữa rất dễ dàng nên thi công nhanh hơn nhiều so với đắp thủ công bằng vữa.

Công nghệ tô trát mới bằng máy: Hiện đã có một số loại máy móc phục vụ tô trát có thể ứng dụng trong quy mô xây nhà ở gia đình. Nhưng chỉ các mảng tường lớn, phẳng mới áp dụng được.
Bảo dưỡng lớp tô trát:
Thường sau khi hoàn thành tô trát, sau nửa ngày phải tiến hành tưới nước phun giữ ẩm cho tường và 3 ngày tiếp sau. Bản chất việc này để quá trình “thủy hóa” của xi măng được diễn ra hoàn toàn, nâng cao chất lượng lớp tô trát.

Đắp gờ kiến trúc khi tô trát: Cần tính toán ngay từ khi xây gạch, tránh xây tô trát xong rồi mới đắp như hình ảnh dưới đây thì không đảm bảo chất lượng (xin xem thêm phần Kinh nghiệm tại đây.)

*******************************
Tư vấn cho quý chủ nhà: Cần kiểm soát các việc: trộn vữa; hoàn thiện bề mặt không được dùng vữa khô để hút nước; công tác bảo dưỡng, công tác kiểm tra. Tốt nhất nên thuê người am hiểu giám sát, sẽ đem lại lợi ích hơn nhiều so với chi phí thuê giám sát.

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *