Sơn tường, trần

Bài viết hướng đến người đọc là các quý chủ nhà nên không đi sâu vào kỹ thuật mà chỉ nêu các nội dung chung, các vấn đề cần chú ý khi làm việc với nhà thầu, nhà cung cấp và theo dõi, quản lý chất lượng khi thi công.


Sơn tường (và tất nhiên cả trần) là công việc mà bất cứ công trình nào cũng cần đến.
Công tác sơn được phân ra là sơn nội thất và sơn ngoại thất. Do đặc điểm môi trường chịu đựng nên hai loại bề mặt này hoàn toàn khác nhau và sử dụng vật tư cũng theo hai dòng riêng rẽ là dòng nội thất và dòng ngoại thất.
(xin xem kỹ hơn bên dưới).
Sơn tường là tập hợp các công việc từ việc xoa nhẵn tường, xử lý các chỗ vết lõm, lồi rồi bả ma tít / bột trét (trét hai lần là tốt nhất) sau đó đánh giấy nhám rồi sơn lên một lớp sơn lót và 2-3 (tốt nhất là 3) nước sơn hoàn thiện (Bả matit hai lớp, cách nhau 3 tiếng, sau đó 4-6 tiếng thì đánh nhám, sau 1-2 ngày khi tường đã khô thì sơn lót. Sau khi sơn lớt thì sẽ sơn hai lớp mặt lần lượt. Tùy điều kiện thời tiết, vùng miền mà thời gian giữa các lớp sơn nhưng thường phải sau 2-3 tiếng đồng hồ. Với những ngày nồm ẩm ở miền Bắc thì phải lâu hơn.
Một số nơi người ta chấp nhận không bả ma tít mà sơn thẳng lên tường sau khi đã đánh phẳng tường để lớp sơn sơn trực tiếp lên vữa tô trát. Việc này tuy đúng là tốt hơn về mặt bám dính song sẽ tốn nhiều sơn và cho ra bề mặt không được nhẵn phẳng, không đẹp mắt khi nhìn dưới ánh đèn điện sẽ lấy nhiều khu vực lồi lõm bắt ánh sáng khác nhau.
Sơn lớp lót tác dụng gì: Sơn lót chủ yếu có tác dụng kháng kiềm, để tránh các thành phần kiềm trong vữa tô ảnh hưởng tới bề mặt bền ngoài. Với ngoại thất thì nó còn tác dụng chống thấm. Vậy trong nội thất có cần sơn lót không? Câu trả lời là nên có, sẽ tránh được thành phần kiềm trong tường thấm ra gây nứt chân chim, gây loang lổ bề mặt sơn. Lưu ý rằng một số nhà thầu thường trốn làm lớp sơn này trong nội thất để tăng lợi nhuận.


Phân biệt theo tính chất gốc sản phẩm: Có hai dòng sơn chủ yếu dùng trong XD là sơn gốc nước và sơn gốc dầu:
Sơn gốc dầu: Dung môi pha chế là dầu hỏa, sẽ cho ra sản phầm là màng sơn cứng hơn, dễ lau chùi các vết bám dính, chống nước tốt hơn, bám lớp matit tốt hơn. Dòng sơn này phù hợp với những ngày nồm ẩm của khí hậu miền Bắc. Một số nhược điểm là có nhiều chất phát tán không có lợi cho sức khỏe, khả năng kháng kiềm kém nên không bền trong các vùng khí hậu có độ pH cao. Thực tế hiện tại tỷ lệ sử dụng sơn gốc dầu chiếm tỉ lệ thấp.
– Sơn gốc nước: thì dung môi pha chế gốc nước, tuy có vài nhược điểm so với sơn gốc dầu nhưng hiện nay công nghệ hóa học đã phát triển nên khoảng cách dần thu hẹp, có nhiều ưu điểm hơn về bảo vệ sức khỏe người thợ và người tiêu dùng. Hiện nay sơn gốc nước đang chiếm tỷ lệ nhiều trong thị trường XD.
Q&A1: Phân biệt hai loại thế nào: Thường trên vỏ bao bì / vỏ thùng sơn sẽ có ghi rõ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh: Sơn gốc nước = Water-based paint ; Sơn gốc dầu = Oil-based paint.
Q&A2: Nên sử dụng loại nào? Như đã trình bày, sơn gốc nước hiện đã rất tốt, nhiều tính năng xưa chỉ có ở sơn gốc dầu nay sơn gốc nước đã đạt được. Nên sử dụng sơn gốc nước,  vấn đề là chọn nhà cung cấp uy tín thì rất quan trọng.
Q&A3: Dụng cụ thi công hai dòng sơn này có khác nhau không? Câu trả lời là có, con lăn lăn sơn gốc nước khác với con lăn lăn sơn gốc dầu nên khi mua con lăn sơn quý vị nên chú ý điều này.


 Phân biệt theo mục đích sử dụng: Sơn nội thất và sơn ngoại thất tương ứng với hai dòng sản phẩm riêng là Bột trét / matit ngoại thất, sơn lót ngoại thất, sơn bề mặt ngoại thất và bột trét / matit nội thất, sơn lót nội thất, sơn bề mặt nội thất. 
Môi trường ngoại thất đương nhiên chịu nhiều tác dụng của thiện nhiên như nắng gắt, mưa dầm, tia cực tím,… nên cần các tính chất đặc biệt để chịu đựng và giá thành sẽ cao hơn. Đi kèm sơn là các vật liệu về lớp lót, sơn lót cũng phải có các đặc điểm tốt hơn sản phẩm sử dụng trong nội thất.
– Sơn ngoại thất:
Sơn bên ngoài công trình, yêu cầu phải có các tính chất bền vững trước các điều kiện ngoại cảnh kể trên, có khả năng chống thấm, chống rêu mốc, thêm chất chống bay màu,..
– Sơn nội thất: Sơn trong nhà, sơn các bề mặt không bị tiếp xúc với nắng mưa nên yêu cầu cho sơn cũng “nhẹ nhàng” hơn song nó lại phải đạt các chỉ tiêu khác về bóng mịn, lau chùi được; về chịu các đặc điểm khác như vi khuẩn, hơi thực phẩm,… phát sinh trong sinh hoạt con người. 
Q&A: À vậy là sơn ngoại thất rất tốt, vậy dùng luôn cho cả nội thất: Câu trả lời là không nên bởi thứ nhất là lãng phí vì nó có giá cao hơn, thứ hai là mỹ quan sẽ không đẹp và thứ ba là một số tính chất của nó không đáp ứng được yêu cầu trong môi trường nội thất nên chưa chắc đã tốt. Tốt hơn hết là dòng sơn nào dùng đúng cho môi trường đó.
Thi công sơn bả matit (đúng ra theo thứ tự công việc thì là bả – sơn)  thì cơ bản không vấn đề lắm, chỉ chú ý việc làm sạch bề mặt trước khi sơn bằng cách đánh nhám; phun nước rửa, chờ khô tường thì bả, đánh giấy nhám tạo phẳng và sau đó sơn lót 2 nước trước khi sơn hoàn thiện. Không nên sơn những ngày mưa dầm, dễ ảnh hưởng đến chất lượng. Chỉ sơn lớp sau khi lớp trước đã khô hẳn, thường 3-4 tiếng đồng hồ. Một vấn đề nhỏ là trước khi sơn thợ sơn cần lấy băng keo dán kín các bề mặt bên cạnh  có thể bị lem (ví dụ khung cửa) rồi sau đó bóc ra sẽ có bề mặt sạch sẽ. Các bề mặt gỗ, kính,… bị lem sơn rất khó chịu và khó xử lý hơn việc dán băng keo và giấy báo để bảo vệ.  
Độ bền màu của sơn: Từ kinh nghiệm chúng tôi cho thấy dù là sơn tốt thì bề mặt ngoại thất cũng chỉ giữ màu được 4-5 năm rồi sẽ dần bị phai, bị rêu mốc… Còn trong môi trường nội thất nếu không bị thấm tường, bị dơ bẩn do sinh hoạt thì chất lượng bề mặt sơn cao hơn nhiều, đến 7-8 năm hoặc hơn nữa.
Khi nào thì tường không còn ẩm để có thể tiến hành sơn.
Nếu tường quá ẩm thì khi sơn sẽ có hiện tượng nươc trong tường thoát ra, làm sơn bị tạo thành các bong bóng khí rồi bong tróc. 
Khi hỏi thợ sơn thì có thể họ nói tường sơn được khi để khô, nhìn thấy trắng “vài ngày” là sơn được. Tuy nhiên như vậy khá mơ hồ, tốt nhất quý chủ nhà hãy yêu cầu thợ sơn đo độ ẩm tường bằng ẩm kế. Độ ẩm thích hợp để tiến hành sơn bả là từ 18-22%.
Máy đo độ ẩm hay còn gọi là ẩm kế bây giờ rất sẵn và không đắt, sử dụng rất hữu ích nên các đội sơn làm ăn nghiêm túc thì sẽ trang bị (cũng là cách đánh giá đội sơn qua việc họ có trang bị các máy móc thiết bị cần thiết cho công việc hay không?)
********
Tư vấn cho quý chủ nhà:
– Công việc sơn tuy khá đơn giản nhưng sơn ngoài nhà cũng khá nguy hiểm nên Quý chủ nhà nên làm hợp đồng, quy định về tổ thợ tự lo và tự chịu trách nhiệm về an toàn lao động. 
– Việc sơn các góc, sơn tại chỗ giao nhau với vật liệu khác, màu sơn khác cần yêu cầu thợ sử dụng băng keo giấy, dán thêm giấy cũ để tránh lem sang các bề mặt không sơn. Các tổ thợ sơn rất hay “quên” việc này làm lem sang bề mặt khác như khuôn gỗ cửa, gỗ nội thất, đá (nhất là đáy bậc thang)… trông rất khó chịu. Quý chủ nhà cần yêu cầu rõ nội dung này với các nhóm thợ sơn.
– Vấn đề cần chú ý khi mua sơn ngoài việc chọn đúng dòng ngoại thất cho ngoại thất, nội thất cho nội thất thì vấn đề chính là căn cứ theo đặc điểm khí hậu vùng miền mà chọn  thương hiệu của nhà SX nào (đi kèm sản phẩm khác như matit cũng vậy). 
– Chú ý khi sử dụng sơn khu bếp nấu nướng dễ phát sinh hơi dầu mỡ nên khuyến nghị quý chủ nhà chọn sơn tốt, dễ lau chùi và quan trọng hơn là trang bị quạt hút mùi sẽ giúp sơn bền màu hơn.

 

 

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *