Cấp phối bê tông là một thuật ngữ trong ngành XD, hiểu nhanh thì nó là các thành phần trộn bê tông theo tỷ lệ thế nào để ra bê tông mác bao nhiêu? Từ góc độ người chủ xây nhà, thì quan tâm nhất là trộn bê tông thế nào.
Hiện các công trình nhà ở chủ yếu được tính toán theo mác bê tông 250 hoặc 300. Việc lót móng và lót các kết cấu khác như đáy bể nước, đáy bể tự hoại ,… thì dùng bê tông mác 100.
Mác bê tông: Là khả năng chịu nén của bê tông. Nói bê tông mác 300 nghĩa là gì? Khi nén phá hủy của mẫu bê tông kích thước tiêu chuẩn, được dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn, được nén ở tuổi 28 ngày, đạt 300 kG/cm²
Điều ta quan tâm là muốn ra bê tông mác 100 / 250 / 300 thì cần xi măng thế nào, đá thế nào, cát thế nào, bao nhiêu nước,…
Sau đây là bảng cấp phối bê tông đã tính toán sẵn thành phần mỗi vật liệu để ra được mác bê tông:
Tuy nhiên bảng trên là kết quả của các tính toán trên góc độ phòng thí nghiệm. Còn thực tế thi công thì ta làm sao?
Xi măng: Xi măng dùng cho xây dựng nhà ở gia đình thông thường là xi măng pooclăng (Portland Cement, viết tắt là PC) theo tiêu chuẩn TCVN 2682: 1999: Xi măng Portland. Có hai mác xi măng chính là PC30 và PC40 với cường độ chịu nén mẫu sau 28 ngày không nhỏ hơn lần lượt 30MPa (306Kg/cm2) và 40MPa (408 kg/cm2) (MPa là Mega Pascal, đơn vị đo áp suất; 1MPa = 10,2 kg/cm2). Xi măng PC30 là đủ tốt cho các công trình gia đình, xi măng PC40 dùng cho các công trình có yêu cầu bê tông chịu lực cao, giá thành cao hơn PC30. Với các công trình XD ở vùng mặn, vùng chua… thì có những loại xi măng riêng phù hợp cho các môi trường đó.
Nếu mua bê tông thương phẩm trộn sẵn: Đặt hàng rõ mác bao nhiêu, có thực hiện lấy mẫu để đem đi thí nghiệm sau này. Thông thường các trạm trộn bê tông sẽ cung cấp được bê tông đúng tiêu chuẩn. Khi mua bê tông thì dù là chủ nhà mua hay nhà thầu mua thì cũng thỏa thuận các thông số như khối lượng, mác bê tông, độ sụt (tính chất dẻo quánh của bê tông), có phụ gia hay không,….
Có mấy vấn đề chính khi mua bê tông trộn tại trạm là:
– Chất lượng: Thường đảm bảo, nhưng vẫn cần lấy mẫu để sau 28 ngày đem đi thí nghiệm.
– Khối lượng: Như trình bày dưới đây:
Q&A: Xác nhận khối lượng thế nào khi xe chạy từ trạm trộn đến? Đây là câu hỏi khó, thường thì người mua sẽ căn cứ vào lượng bê tông cần đổ đã được tính toán theo các công thức hình học cộng với phiếu xuất xưởng. Nếu đủ khối lượng theo phiếu xuất xưởng mà chư đủ khối lượng cho công trình thì vẫn phải mua tiếp, khối lượng sau này sẽ tính nhưng là trên cơ sở cùng nhau tính toán lại thể tích thực tế bê tông theo hình dạng hình học đã cấu thành vào công trình. Với các dự án dùng khối lượng lớn, người ta còn phải cử nhân sự đến trạm trộn để kiểm soát và kẹp chì thùng vì có hiện tượng tài xế sẽ bán bớt bê tông dọc đường nếu gặp khách hàng có nhu cầu ít ví dụ làm lại một đoạn đường, láng lại đoạn vỉa hè.., huhu.
Nếu phải đổ bằng bơm qua đường ống thì đôi khi lượng hao hụt đọng trong đường ống cũng là đáng kể.
Nếu tự trộn bê tông: Bám theo công thức trên, đóng các thùng đo tiêu chuẩn để làm mẫu rồi từ đó tính toán lượng vật tư thành phần. Theo cách thức phổ biến thì tỷ lệ trộn bê tông 1-2-3 tức là 1 thùng xi măng, 2 thùng cát, 3 thùng đá tiêu chuẩn và lượng nước vừa đủ sẽ ra được bê tông mác khoảng 250. Dùng xô 17-18 lít để đong (xô này hiện rất phổ biến) thì tỷ lệ 1 bao xi măng cho 4 xô cát 6 xô đá cũng sẽ ra mác bê tông khoảng 250.
Ghi chú: Mỗi mẻ bê tông cần được đúc mẫu để sau này mang đi thí nghiệm, để biết chất lượng mẻ bê tông đó. Xin mời xem thêm tại các bài viết về thí nghiệm Bê tông và Các Lỗi thường gặp trong thi công Bê tông cốt thép để biết rõ hơn. Xin cảm ơn.