Hệ thống cấp nước gia đình

Hệ thống cấp nước gia đình bắt đầu từ đường ống cấp nước thành phố dẫn vào trong nhà.
Tùy tình trạng cấp nước từng khu vực nhưng nhìn chung sơ đồ dòng chảy của hệ thống cấp nước là:
Nước từ đường cấp nước, công tơ nước >> dẫn vào bể ngầm từng căn nhà >> bơm lên bể trên mái >> chảy đi các khu vực dùng nước toàn nhà.
Một số gia đình có lắp đặt hệ thống cấp nước nóng từ năng lượng mặt trời trên mái thì sẽ có hai đường ống từ mái xuống.
Tại một số vùng nước ổn định, áp lực nước tốt có thể không cần bể ngầm đóng vai trò tích trữ nước mà dẫn thẳng lên bể trên mái. Tuy nhiên việc này là khá mạo hiểm bởi với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì một vùng nước đang ổn định có thể trở thành một vùng nước yếu khi nhu cầu tăng lên quá cao. Và khi đó việc không có một cái bể ngầm tích nước là khó khăn rất lớn.
Một số nội dung cần chú ý của hệ thống cấp nước gia đình:
– Cần có van khóa tổng trước và sau công tơ để khóa khi cần thiết. Công tơ nước thường được bên cấp nước thay thế sau 3-4 năm sử dụng nên cần bố trí vị trí và tính toán để việc thay thế được dễ dàng, việc kiểm tra tính toán chỉ số sử dụng nước hàng tháng được thuận lợi.
– Đường ống nước nên tính toán đủ dùng, kể cả trong trường hợp dùng nước đồng thời thì vẫn có lượng nước chảy tương đối tốt.
– Đường ống nước nóng từ nguồn nóng đến vòi không cần đường kính lớn, vì khi cần nước nóng thì vòi phải chảy rất nhiều nước lạnh thì nước nóng mới chảy tới gây lãng phí và chờ đợi lâu.
– Nước chảy vào bể ngầm cần qua van phao để khi bề đầy thì van phao tự đóng. Để đề phòng van phao trục trặc thì chủ nhà có thể lắp thêm van phao nổi cảnh báo nước đầy, đồng thời làm một đường ống nước tràn dẫn ra khu vực dễ nhìn để khi van phao hỏng không tự đóng, nước sẽ tràn ra khu vực dễ nhìn để phát hiện (đầu xả ống tràn này cần bịt và chỉ để các lỗ nhỏ tránh động vật chui ngược vào bể)
– Trong bể ngầm đặt van phao điện để khi bể cạn thì van phao tự ngắt điện. Van phao này nối với máy bơm và khi đó bơm sẽ ngừng hoạt động để bảo vệ bơm.
– Đường ống từ bơm lên bể mái nên hạn chế gấp khúc, sẽ làm giảm áp lực bơm. Lựa chọn bơm loại tốt để tránh phải sửa chữa nhiều. 
–  Trên bể mái cũng lắp đặt một van phao để khi bể đầy thì bơm tự ngắt. Van phao này làm việc ngược với van phao điện trong bể ngầm là khi cạn thì tự ngắt. Như vậy bơm bị điều khiển của cả van phao điện bể ngầm và bể mái.
– Bể trên mái cần được gắn chắc chắn, buộc bằng các dây thép tốt để tránh khi cạn nước lại gặp các trận giông lốc bể khi đó nhẹ sẽ dễ bị thổi bay. Nên dùng các bể khoảng 2-3m3. Tốt nhất từ khi đổ bê tông, xây tường đã tính đặt sẵn các móc thép chất lượng cao, ít bị gỉ để sau này buộc giằng bể mái cố định lại.
– Nước từ bể mái ra qua van tổng rồi có thể chảy sang hệ nước nóng mặt trời (nếu có) và chảy xuống các khu vực dùng nước bên dưới. Đường trục nước xuống dưới thì nên dùng cỡ lớn để khi có vài ba vòi nước cùng chảy thì vẫn chảy lượng nước đủ lớn.
– Trước khi chảy vào các khu phân nhánh thì đều cần có van để ngắt riêng khu vực đó khi cần thiết.
– Để thuận tiện trong sinh hoạt thì các nguồn cấp nước cho rửa xe, tưới cây, cho bể cá cảnh, tiểu cảnh non bộ,… cũng được tính toán.
– Nước cấp có thể sử dụng ống PVC nhưng hiện nay công nghệ phát triển nên chúng tôi khuyến nghị quý vị nên dùng ống PPR hàn nhiệt sẽ mang lại độ bền cao, sự tin tưởng cao hơn.
Chú ý: Với các căn hộ chung cư, thường các tầng thấp sẽ được lắp đặt van giảm áp để giảm bớt áp lực nước từ bể mái tòa nhà. Tuy nhiên có thể có các tầng sẽ có áp lực nước quá mạnh, nhanh gây hư hỏng các đường ống, mối nối thì quý gia chủ nên lắp thêm các van giảm áp nhỏ (chữ T, các nhãn hàng Toto, Inax, … đều có sản xuất) với mức giá 1-2 trăm ngàn đồng sẽ tốt hơn cho các thiết bị sử dụng nước. 

 

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *