Thân nhà gồm hệ các cột bê tông, sàn bê tông và các dầm / đà bê tông cốt thép. Phần cầu thang bê tông cốt thép cũng có thể được tính vào thân nhà.
Thân nhà là hệ thống khung xương bê tông giữ vai trò chịu lực toàn bộ ngôi nhà, nhận lực từ mái nhà và lực phát sinh trong bản thân thân nhà rồi truyền xuống móng.
Phần tường xây gạch cũng có thể hiểu là một thành phần của thân nhà.
Việc thi công thân nhà bản chất là thi công bê tông cốt thép và thi công xây gạch được trình bày ở trong các phần tương ứng. Các phần việc chính là chuẩn bị phần thép, ghép cốp pha khuôn bê tông, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ninh kết, tháo cốp pha rồi xây tường. Một số điểm chính như sau:
– Thi công thép dầm và cột phải theo đúng bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép. Việc nối thép tuân thủ đúng quy định kỹ thuật.
– Với thép sàn thì thường sàn có hai lớp hoặc lớp dưới và lớp momen xung quanh sàn. Bố trí thép phải tuân thủ bản vẽ kết cấu. Khoảng cách hai lớp thép phải xa nhau, khoảng cách bảo vệ thép trong bê tông dưới và trên là ~1,5cm. Thường phải làm các thanh thép buộc kiểu “chân chó” để tránh hai lớp thép xẹp xuống gần nhau làm mất tác dụng chịu lực.
– Việc ghép cốp pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, gỗ cốp pha không được lựa chọn loại gỗ quá kém phẩm chất, có thể bị bục vỡ trong quá trình đổ đầm bê tông. Kết nối các cốp pha thật chặt và gọn gàng. Hệ thống giàn giáo sắt phải tốt, đảm bảo chịu lực cho toàn bộ vật liệu, thiết bị và công nhân trong qúa trình thi công.
– Việc đổ bê tông có thể thực hiện thủ công bằng máy trộn bê tông tại hiện trường, cũng có thể mua bê tông trộn sẵn từ trạm trộn, bơm lên mặt sàn bằng ống. Bê tông sau khi đổ phải được bảo dưỡng theo đúng quy chuẩn.
– Tháo dỡ cốp pha cần phải chờ bê tông đủ ngày. Với cột thì có thể tháo sau 24h khi bê tông đã ninh kết nhưng với dầm và sàn thì chỉ được tháo sau 28 ngày. Việc tháo sớm có thể gây đổ sập, xảy ra tai nạn đáng tiếc.
– Sau khi đổ bê tông dầm sàn thì hạn chế đi lại bên trên, làm các việc gây rung chấn trong ít nhất 1 tuần đầu tiên.
– Khi đổ bê tông dầm sàn thì ít nhất bên dưới phải có hai tầng còn cây chống dù bê tông đã đủ tuổi. Ví dụ đổ trần tầng 3 (sàn tầng 4) thì vẫn phải còn ván khuôn, cây chống của trần tầng 1 (sàn tầng 2). Việc này để đảm bảo việc thi công bê tông được an toàn, trọng lượng bê tông mới đổ được san đều xuống các tầng bên dưới, tránh tập trung ngay vào sàn liền kề dưới sẽ gây đổ sập. Lưu ý là rất nhiều đội thợ chủ quan chuyện này và đã bị trả giá.
– Việc xây tường cần lưu ý xây làm sao cho thẳng, mạch đều, không trùng mạch. Trong quá trình xây dựng cần liên tục kiểm tra độ thẳng bằng quả dọi. Vữa xây cần trộn đúng tỷ lệ, đảm bảo độ kết dính và chống nước thẩm thấu qua.