Về kiến trúc và công năng

1. Một số nội dung chung
Quý chủ nhà là người làm ra tiền và có quyền quyết định tối cao về sử dụng đồng tiền của mình ra sao, cũng có nghĩa là thích xây nhà mình theo phong cách nào: hiện đại, đơn giản, châu Âu cổ điển, truyền thống dân tộc, thậm chí là kiểu lâu đài.
Tuy việc đánh giá một ngôi nhà đẹp phụ thuộc cảm quan từng  người song sự thực là vẫn có một giá trị chung mà một ngôi nhà đẹp cần đạt được: Sự hài hòa với xung quanh, sự ưa nhìn từ cảm nhận chung, sự nhẹ nhàng thanh thoát, tính cá tính không lai căng, kệch cỡm, nội thất trang nhã ấm cúng mà vẫn phù hợp phong cách; bố trí mặt bằng công năng đẩy đủ, khoa học theo các tiêu chuẩn kiến trúc… Từ suy nghĩ đó, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số lời khuyên với quý chủ nhà đang cân nhắc xây nhà cho gia đình mình một số nội dung sau về kiến trúc, nội thất công trình:

Quý chủ nhà nên cân nhắc một số nội dung sau khi bàn bạc với Kiến trúc sư để vẽ ra ngôi nhà tương lai của mình:
– Phong cách ngôi nhà nên định hình rõ, hạn chế cách làm theo kiểu “gom nhặt” các chi tiết từ nhiều nơi gom vào một công trình.
– Lối kiến trúc cầu kì diêm dúa, nhiều khe, kẽ, chi tiết đắp nổi, phù điêu,… (cả ngoại thất và nội thất) dù là đẹp theo cảm nhận của chủ nhà nhưng tính chất phù hợp điều kiện VN hay không là một câu hỏi? Nước ta là vùng khí hậu nóng ẩm (với miền Bắc còn có mùa lạnh sau đó là mưa xuân nồm ẩm sau Tết); mưa nhiều (ô nhiễm không khí càng tăng thì sẽ thêm cả mưa axit) nên là điều kiện tốt để rêu mốc phát triển cũng như làm phai màu, hư hỏng bề mặt vật liệu bên ngoài. Thêm nữa hàm lượng bụi trong không khí nhiều sẽ là thách thức lớn cho độ bền và cả duy trì mỹ quan, sẽ rất nhanh bị xuống cấp trong quá trình sử dụng.
– Các ngôi nhà ít có khả năng nhìn ngắm từ xa, ví dụ trong ngõ hẻm, thì không nên quan tâm nhiều đến mặt ngoài, chỉ nên chọn các vật liệu bền, dễ làm sạch như đá ốp, kính, sơn loại tốt,… mà hãy chú trọng nhiều đến phần nội thất, trang thiết bị thiết thực cho cuộc sống.
– Chú ý yếu tố cần thiết khác bên cạnh yêu cầu kiến trúc (mà các KTS thường hay đề cao). Các yếu tố có an toàn không, có phù hợp thực tế môi trường, cảnh quan xung quanh, điều kiện kinh tế xã hội khu vực XD, điều kiện hoàn cảnh gia chủ… cần được tính toán. Ví dụ như ngôi nhà bên có thể là đẹp về mặt kiến trúc nhưng về an ninh thì không tốt, trong điều kiện xã hội VN thì dễ bị kẻ gian đột nhập bằng cách chỉ cần móc vào lan can bằng dây, bằng gậy thẳng,… thì đu lên dễ dàng.
– Chú ý không gian cho người già, người yếu vận động: Nếu không có thang máy thì bố trí cho người già một phòng ngủ tại tầng mặt đất để việc đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn rất nhiều, giảm thiểu nguy cơ té ngã rất hay xảy ra khi đi cầu thang. Lưu ý phòng ngủ người già nếu là phòng chung cho cả cụ ông và cụ bà thì thường do đặc tính khác nhau, thường dậy đêm nhiều lần cho nên quý vị nên tách thành hai giường độc lập (mỗi giường 1-1,2m), hai đèn ngủ riêng để ít ảnh hưởng nhau, gần nhà vệ sinh để thuận tiện cho các cụ.
– Vật liệu sử dụng cho sàn, nền cần cân nhắc nhất là ở miền Bắc có nồm ẩm, gây khó khăn và cả nguy hiểm cho người già, trẻ em,.. Ví dụ sàn gạch trơn rất dễ gây trượt chân khi vào tháng 2-3-4 hàng năm hiện tượng “đổ mồ hôi” khiến mặt sàn, tường ướt rất khó chịu và nguy hiểm. Chọn vật liệu sân, hiên nhà nơi có thể bị mưa ướt cũng cần tránh các bề mặt quá láng bóng.
– Vật liệu xây dựng và vật liệu hoàn thiện như sơn, xi măng, gạch ốp lát, vật liệu cửa, vật liệu nội thất như rèm, giấy dán tường,… cũng bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết nên các vùng khắc nghiệt hơn, ví dụ vùng biển, vùng đảo,.. thì lựa chọn các vật tư cũng cần tìm hiểu kỹ hơn.
– Các phần sau đây nên làm thật tốt ngay từ khi đầu tư để tránh / hạn chế các trục trặc về sau nếu xảy ra sẽ phải sửa chữa rất mệt mỏi và tốn kém: hệ kết cấu, chống thấm, điện, nước + thiết bị vệ sinh, điện nhẹ, cửa cuốn, bơm nước, sơn tường… 
– Nên tính toán xa các thay đổi có thể diễn ra theo thời gian với ngôi nhà: phân chia ngôi nhà khi các con lập ra đình riêng hoặc sau này chia thừa kế; cần phòng riêng tĩnh thoáng cho người già (có thể chính là gia chủ sau vài chục năm nữa); có thể có thay đổi để biến một phần ngôi nhà thành văn phòng làm việc, shop bán hàng,….

2. Về không gian thờ cúng
Trong văn hóa Việt Nam, không gian thờ cúng ông bà tổ tiên đều được các  gia chủ quan tâm đặc biệt. Tùy vùng miền thì việc thờ cúng có khác nhau chút nhưng cơ bản giống nhau là sự thành tâm, sự trang trọng, nghiêm cẩn trong bố trí phòng thờ, đồ thờ. (Do không có kiến thức về việc thờ cúng của các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài,… nên chúng tôi chỉ trình bày một số nội dung không gian thờ cúng của các gia đình để thờ cúng ông bà tổ tiên mà thôi).
– Không gian thờ: Làm phòng thờ riêng hay thờ cúng chung tại một ban thờ phòng khách hay ban thờ gắn tường (chung cư) thì tùy điều kiện mỗi gia đình. Nếu có điều kiện đa số chọn làm phòng thờ riêng với suy nghĩ tạo không gian trang trọng cho các cụ; khu vực thờ là khu âm khí tránh bị các luồng dương khí khác ảnh hưởng sẽ không tốt (?). Phòng thờ cũnh có thể kết hợp làm phòng đọc sách, nghiên cứu, học tập hoặc thư giãn với âm nhạc hay các mục đích nhẹ nhàng khác.
– Vị trí  phòng thờ: Phòng thờ trên cao hay tại tầng mặt đất cũng thường là các vấn đề đặt ra cho quý chủ nhà trong xây dựng. Trên cao thì sẽ riêng biệt hơn, nhưng đôi khi gây khó khăn cho người thường chăm sóc khu thờ tự lại thường là các người cao tuổi trong gia đình (nếu có thang máy thì quá tốt), đôi lúc cũng bất tiện việc mang đồ thờ cúng ví dụ mâm cỗ chuẩn bị bên dưới mang lên. Nếu thờ  phía dưới thì đươc lợi việc đi lại, chuẩn bị cỗ, tiện lợi cho người khác đến lễ (ví dụ là gia đình trưởng thì sẽ có nhiều các thành viên gia đình khác đến lễ vào các dịp lễ tết), nhưng việc bố trí không gian gì phía trên phòng thờ là khá khó khăn, thường không bố trí các phòng như phòng ngủ, phòng tắm,…. Theo quan niệm dân gian và kiến trúc nhà truyền thống thì các không gian thờ không cần phải xa cách con cháu, mà trái lại nên gần gũi các sinh hoạt đời thường của con cháu để có cảm giác các cụ đang gần gũi đâu đây quan sát cuộc sống con cháu để phù hộ độ trì.
– Trang trí phòng thờ: Cơ bản là trang trọng, tông màu sắc trầm, không lòe loẹt; thiên về các loại hoa văn, hoạt tiết, vật trang trí có tính dân gian như hoa văn chữ Vạn, hoa sen, chữ Phúc,…
– Thông gió, đốt vàng mã: Thực tế là các loại nhang sử dụng hiện nay có mùi thơm là từ các hóa chất nên xét về an toàn sức khỏe là không tốt. Do đó ngay từ khi thiết ké, các quý gia chủ nên xét đến vấn đề thông gió phòng thờ tốt, có thể bằng các quạt hút gió để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe. Văn hóa VN cũng có tục đốt vàng mã nên cũng cần bố trí các lò đốt nhỏ, an toàn để sử dụng mỗi dịp cúng lễ. Vấn đề phòng chống cháy nổ từ việc thắp nhang, đốt vàng mã cũng cần được quan tâm ngay từ việc bố trí vật liệu, vị trí đặt các đồ thờ cúng. Nếu quý gia chủ có thể đặt các hệ thống cảm biến khói, nhiệt trong phòng thờ phục vụ an toàn cháy nổ thì càng tốt.  

3. Về phong thủy, tâm linh, tín ngưỡng
Phong thủy, tâm linh, tín ngưỡng nếu quý chủ nhà đã tin thì cũng nên làm sao cho đúng để yên tâm nhưng cũng cần tỉnh táo, tránh quá u mê bị dẫn dắt. Đã nhiều gia đình quá tin tưởng mà làm các phòng ngủ kiểu xoay giường 45 độ so với cửa, làm hướng bếp đun nấu khiến người nấu ăn phải “vặn xoắn” thân khi nấu,… để cho đạt cung độ về hướng, Chúng tôi kiến nghị quý gia chủ nên đặt niềm tin về phong thủy, tín ngưỡng nên phải đi kèm các kiến thức khoa học về Vật lý kiến trúc được tuân thủ như thông gió, chiếu sáng, âm học, ….Các yêu cầu về phong thủy, tín ngưỡng,.. của chủ nhà cần rõ ràng, ví dụ số đo cửa phải rơi vào cung nào, từ bao nhiêu đến bao nhiêu cm theo thước Lỗ Ban để bàn bậc rõ với đơn vị thiết kế, nhà thầu để họ đặc biệt chú ý trong quá trình thực thi công việc. Để yên tâm thì quý gia chủ nên ghi danh sách các thông tin như vậy, tiến hành kiểm tra thường xuyên tránh các sai lệch phát sinh sau này rất phức tạp trong sửa chữa, khắc phục. 
Làm nghề đã nhiều, bên cạnh một số người có kiến thức một cách logic, chặt chẽ theo dòng tư duy, triết lý của họ (chúng tôi không khẳng định đúng hay sai, hiệu quả ra sao) chúng tôi đã gặp nhiều thành phần xấu, hành nghề  bằng việc truyền bá các nội dung phong thủy, tín ngưỡng mang tính u mê, dọa dẫm để đạt được các yêu cầu kinh tế. Quý gia chủ hãy tỉnh táo và tin tưởng vào nguyên tắc “nhân – quả”; luôn làm việc tốt, việc thiện và nỗ lực trong công việc thì niềm vui và sự may mắn sẽ đến với gia đình và bản thân. 
4. Về bố trí mặt bằng 
Việc bố trí mặt bằng là khoa học, sáng tạo của người thiết kế. Nhìn chung cần căn cứ theo thực tế nhu cầu sử dụng của gia chủ mà người thiết kế làm phương án, có tính tới yếu tố tương lai thay đổi khi các thế hệ trong gia đình lớn lên, lập gia đình riêng,… thì vẫn đáp ứng yêu cầu được thì là lý tưởng nhất. Nhìn chung thì bố trí mặt bằng nên đạt một số tiêu chí sau:
– Phòng ngủ chính (master bedroom) là phòng ngủ của gia chủ thì nên được ưu tiên, rộng rãi, có vệ sinh riêng, khá cách biệt với các phòng ngủ khác. Tầng bố trí không nên là cao quá (trừ khi có thang máy).
– Phòng thờ, phòng đọc sách cần yên tĩnh, nghiêm cẩn (xin xem thêm mục trên)
– Phòng khách: Bố trí gần lối ra vào, có thể phân thành hai khu, thuần tiếp khách và với khách thân thiết thì có thể tiếp khách tại phòng sinh hoạt chung của gia đình.
– Phòng ăn, bếp: Liên thông nhau, tạo không gian khá cách biệt để thoải mái sinh hoạt gia đình kể cả khi có khách. Lưu ý tính thông thoáng, thoát mùi của không gian bếp.
Với chung cư khi chọn muaMặt bằng tốt là mặt bằng mà phòng ngủ lớn (master bedroom) nên tách biệt với các phòng ngủ còn lại, thường là nằm về các phía khác nhau của phòng khách. Nhiều chung cư bố trí các phòng ngủ liền nhau, cùng về 1 phía, phòng ngủ master chung tường với phòng ngủ khác thì sẽ khá bất tiện trong sinh hoạt, rất cần sự ý tứ, nhẹ nhàng hơn từ các sinh hoạt trong phòng ngủ chính, mà thường là phòng các đôi vợ chồng gia chủ.  

5. Về ban công, lô gia 
Khi tưởng tượng ra ngôi nhà tương lai thì các quý chủ nhà hay nghĩ đến các giây phút thư thái ngoài ban công bên ấm trà, ly cafe, đọc sách, ngắm bình hoa hoặc ngắm phố phường xung quanh. Song thực tế qua quá trình quan sát khi làm nghề XD thì rất nhiều các ban công không làm đúng chức năng thư giãn đó. Các quý chủ nhà thường bận bịu lo toan công việc, cuộc sống nên ít sử dụng, để các ban công thừa thãi, gây lãng phí không gian và phải giữ vệ sinh khá vất. Hãy bố trí các ban công nếu thực sự thấy thích, nhưng chỉ bố trí một vài vị trí nếu thiết cho hình khối kiến trúc. Nếu không thì hạn chế ban công mà hãy biến nó thành một phần của căn phòng. Đó là lời khuyên dành cho các quý chủ nhà. 
Ngược lại, nếu quý vị xây nhà để nghỉ dưỡng, khách ở thường xuyên thay đổi hoặc chính quý vị không ở thường xuyên thì các ban công lại rất thường xuyên được sử dụng và thực tế nên bố trí ban công.

Q&A: Ban công và lô gia khác nhau thế nào: Đều là các không gian hở, thoáng của ngôi nhà. Ban công là nhô hẳn ra khỏi mặt phẳng thân nhà (có thể có mái che là ban công tầng trên, là mái nhà hoặc không có mái che) và như vậy đứng ở ban công thường nhìn được 3 hướng. Lô gia là phần sàn nằm trong mặt phẳng mép tường và như vậy chỉ cơ bản nhìn được một hướng. Với nhà chung cư thì thường lô gia mà thôi. 
6. Về khu tắm và khu vệ sinh
Nếu có điều kiện diện tích rộng thì tách hoàn toàn khu vệ sinh khỏi khu tắm là tốt nhất (khu khô và khu ướt). Bởi bản chất hai khu khác nhau về tính chất sử dụng và đặc điểm:
Khu vệ sinh: Không cần quá lớn để đặt các lọ hương, tinh dầu thì dễ bao phủ; phải thông gió và hút mùi tốt; luôn cần khô ráo để để giấy vệ sinh và các đồ khác thuận tiện. Làm khu riêng thì có thể dán tường trong khu vệ sinh tạo không gian đẹp.
Khu tắm: Cần khá rộng rãi để khi tắm tay chân giơ lên, sang ngang tương đối thoải mái; nếu lắp được bồn tắm nằm thì quá tốt; là khu ướt nên cần thoát nước nhanh, độ dốc sàn phải tốt.  Phòng tắm thì cơ bản cần kín gió, nếu mùa đông miền Bắc thì cần vừa phải để làm ấm dễ dàng hơn.
Giải pháp vách kính ngăn chia phòng vệ sinh thành hai khu tắm và vệ sinh hiện áp dụng rộng rãi là giải pháp tốt, phân chia hai khu khô – ướt rõ ràng rất thuận tiện cho sinh hoạt.
Một khu nhà tắm + vệ sinh nói chung phải đạt yêu cầu thoáng gió và ánh sáng tự nhiên tối đa. Với nhà ở gia đình thì việc này khá dễ đạt được bằng việc bố trí mặt bằng hợp lý kết hợp sử dung vật liệu kính, cửa kính, kính có dán film nếu cần thiết. (rất rất hạn chế đặt nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang, trừ khi mặt bằng quá chật chội). Với chung cư thì khó hơn, nên thường là một vài nhà vệ sinh phải dùng ánh sáng đèn điện và thông gió quạt hút. Tuy nhiên một số dự án chung cư cao cấp người ta còn phải chấp nhận làm các khe khoảng 1m giữa các căn hộ để đạt mục đích dẫn ánh sáng tự nhiên + thông gió vào các khu vệ sinh phía trong mặc dù việc này làm giảm diện tích kinh doanh, khó hơn về mặt kết cấu công trình.
Phòng vệ sinh cho người già: Cần chú ý lắp sẵn đường dây điện để sẵn sàng lắp đặt công tắc chuông điện (thường là dạng giật dây hoặc bấm nút, chú ý độ ẩm cao trong phòng vệ sinh nên cần dùng loại tốt) gần bồn cầu, khi người già trong phòng vệ sinh cần trợ giúp sẽ bấm chuông dễ dàng. Bố trí tay vịn  ngay bồn cầu để hỗ trợ người cao tuổi khi đứng lên. Bố trí gạch lát rất ít trơn trượt, độ chênh cốt nền giữa trong và ngoài nhà vệ sinh ít. Cửa phòng tắm, vệ sinh cho  người già cần mở ra bên ngoài, không mở vào bên trong (phòng khi người già bị té ngã, nếu cửa ra ngoài thì mở dễ dàng, cửa vào trong có nguy cơ bị chặn lại). Vòi tắm bên trong vệ sinh nên lắp loại khống chế nhiệt độ tối đa (ví dụ 35 độ C) để loại trừ nguy cơ phỏng nước.
7. Có nên làm hầm nhà ở không?
Các ích lợi của hầm nhà ở gia đình:

  • Là không gian để làm kho gia đình, kho kinh doanh nhỏ, nơi ngủ của người giúp việc, bảo vệ,..: 
  • Là nơi để xe hơi, xe máy, xe đạp giúp giữ gìn xe, tránh mùi xăng dầu ít tiếp xúc với con người.
  • Là nơi bố trí các căn phòng giải trí sẽ rất tốt vì giảm nỗi lo cách âm với các căn nhà xung quanh. 
  • Là nơi tận dụng làm không gian làm việc văn phòng khi cần thiết.
  • Nếu xây tầng hầm thì mặt bằng chung ngôi nhà của bạn sẽ được nâng cao hơn. 
  • Tất nhiên làm tăng giá trị cho căn nhà.

Hạn chế của việc xây hầm:

  • Kỹ thuật xây hầm khó hơn, nên bên thiết kế và thi công phải là những đơn vị khá hơn mới đảm nhận được (trong đó có nguy cơ ảnh hưởng các căn nhà bên cạnh).
  • Giá thành xây hầm thường lớn vì xung quanh là bê tông cốt thép dày.
  • Chống thấm hầm và thoát nước hầm đều đòi hỏi những kiến thức và kinh nghiệm tốt.

Các lựa chọn kiểu xây hầm:

  • Kiểu hầm chìm: 100% hầm dưới mặt đất (so với cốt cao độ vỉa hè) >> sẽ phức tạp hơn về chống thấm, thông gió, thoát nước,..

Kiểu hầm nửa nổi nửa chìm (bán hầm): Như tên gọi, một phần trên mặt đất một phần chìm >> dễ hơn cho việc thông gió, thoát nước,.. Tùy bố trí, có những căn hầm chỉ có một chút phần chìm còn đa số là nổi thì càng dễ hơn cho thi công và các nội dung kỹ thuật.

Nếu quý vị quyết định xây hầm thì mời tham khảo thêm bài viết về các vấn đề xây hầm tại đây. 

8. Về quan niệm: Làm một lần cho “vĩnh cửu” luôn cho các thế hệ sau hưởng
Tại châu Âu có các công trình như viện bảo tàng, khách sạn, triển lãm, nghị viện, các lâu đài… có tuổi đời mấy trăm năm nhưng vẫn tốt, đẹp. Vì sao vậy, câu trả lời là nó được xây dựng tốt và bảo dưỡng bảo trì theo những cách thức khoa học. Ví dụ là các công trình người Pháp xây dựng tại VN hàng trăm năm nay thì cơ bản vẫn được lưu hồ sơ, có các quy trình bảo trì bảo dưỡng, quy định tuổi thọ công trình,…
Mong muốn XD ngôi nhà truyền lại thật lâu cho con cháu của các quý chủ nhà khi xây dựng nhà ở là rất chính đáng nhưng lại là yêu cầu rất khó. Bởi vì: Ngôi nhà cũng như các vật dụng khác có sự già hóa, xuống cấp theo thời gian và quan niệm về nhà ở thế nào là đẹp cũng biến đối, khoa học công nghệ cũng làm thay đổi cách làm nhà sao cho thoải mái. Ví dụ trước đây nhà người Pháp xây tại nước ta đều có tường dày, cửa nan chớp thì khá thông thoáng, mát mẻ nhưng ngày nay có công nghệ máy điều hòa nhiệt độ thì vách kính mang lại nhiều ưu việt và được sử dụng phổ biến. Trong khoa học XD còn có khái niệm “bệnh học công trình” coi công trình xây dựng cũng có bệnh và cần được thăm khám và chữa bệnh vậy. Chữa bệnh là sự quan sát, chú ý khi sử dụng; tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa khi cần thiết, khi có dấu hiệu xuống cấp để không lây lan ra các bộ phận khác, các phần khác. Bên cạnh đó việc bảo trì thường xuyên, như là khám sức khỏe công trình, thấy hư hỏng chỗ nào cần xử lý ngay cũng sẽ làm công trình bền lâu. Tại các nước phát triển, khi hoàn thành xây dựng công trình lớn cũng là lúc nhà thầu giao nộp lại cho chủ công trình quy trình bảo trì trong cả thời gian tồn tại của công trình. Tại nước ta, các công trình cao tầng thì Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các bên tư vấn thiết kế phải lập Quy trình bảo trì công trình cho suốt đời dự án trao cho bên chủ công trình, bên quản lý vận hành dự án để thực hiện.
*****
Cho nên muốn có công trình tốt, sử dụng lâu dài thì là cần đúng khoa học, tìm đúng người giỏi để thiết kế, thi công tốt nhất, sử dụng các vật liệu có độ bền cao, thực hiện bảo trì công trình trong quá trình sử dụng thì sẽ là cách tốt nhất để duy trì công trình luôn đẹp. Chứ nếu chỉ thuần túy tin rằng “tiền nào của đó” rồi đầu tư nhiều tiền ngay từ lúc xây dựng hy vọng nó thật bền lâu thì cơ bản là đúng nhưng chỉ là một tiền đề đúng. Nếu quá trình thực hiện xây dựng mà bị  sai phương pháp, sai đối tượng, đặt niềm tin nhầm vào đối tác thi công, không kiểm soát chất lượng chặt chẽ,… thì cũng sẽ không đạt mục tiêu công trình bền lâu, và câu hát “….cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau” vẫn là vấn đề lớn.

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *