1. Mùi hôi các khu vệ sinh
Các khu vệ sinh chung cư rất hay bị hiện tượng mùi hôi rất khó chịu và chắc chắn việc hít phải mùi hôi này (thành phần có H2S – hydro sulfur) rất gây hại cho sức khỏe.
Chú ý: Khái niệm mùi hôi ở đây không đề cập đến các mùi khó chịu nhưng phát sinh ngay trong nhà vệ sinh như do ẩm mốc, do lên men hữu cơ các chất thải để trong khu vệ sinh mà chỉ để cập đến các nguyên nhân từ lỗi xây dựng, lắp đặt.
Có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là lỗi của chủ đầu tư trong thiết kế, thi công hệ thống các khu vệ sinh.
Các nguyên nhân gây mùi hôi (nếu để ý sẽ thấy mỗi loại mùi hôi từ các nguyên nhân dưới đây có sự khác nhau):
a) Mùi hôi do hở ống dẫn phân bồn cầu: (xin xem Hình 1) Loại mùi hôi này là khủng khiếp và độc hại nhất.
Có hai loại cấu tạo đoạn ống cuối của bồn cầu trước khi chất bẩn ra khỏi bồn cầu (xin xem hình bên dưới). Loại thứ nhất là cấu tạo toàn bộ bồn cầu là sứ, gồm cả đoạn ống dẫn phân thẳng đứng cuối cùng. Loại thứ hai là ống đoạn cong bằng sứ, nối qua 1 đoạn ống nhựa cuối cùng có chèn zoăng cao su nối rồi mới thoát xuống ống thẳng đứng đặt trong sàn bê tông (thường là đường kính D90).
Loại thứ hai dễ hơn khi SX nhưng nếu phụ kiện zoăng cao su, ống nối không tốt dễ hở gây thoát mùi hôi, có thể giai đoạn đầu tốt nhưng một thời gian sau cao su lão hóa cũng gây rò rỉ chút mùi hôi. Loại bồn cầu thứ nhất phổ biến hơn, chúng tôi khuyến nghị quý vị nên dùng loại thứ nhất khi chọn lựa bồn cầu cho gia đình.
Cả hai loại bản chất là yêu cầu như nhau, đều cần kín khít để tránh mùi hôi. Loại thứ nhất thì giữa ống sứ của bồn cầu và ống nhựa khuyến nghị nên lắp thêm zoăng (ron) cao su (thường không nằm trong bộ bồn cầu, phải mua riêng) để kín khít ngăn mùi (không lắp cũng được nhưng đảm bảo xung quanh chân bồn cầu và lỗ bắt vít phải được bịt kín bằng xi măng, keo chà ron hay vật liệu dính khác ví dụ silicon. Loại thứ hai thì do cấu tạo có đoạn nối tiếp giáp giữa sứ và nhựa nên sẽ cố zoăng cao su bán kèm bồn cầu (đoạn nhựa nối cũng thuộc về bộ bồn cầu khi mua). Và loại này thì chân bồn cầu phía sau có khoảng hở. không kín hết xung quanh như loại thứ nhất.
Dù là loại nào thì yêu cầu chung là phải đảm bảo không có mùi hôi từ ống thoát phân lọt ra. Tuy nhiên thực tế nhiều khu vệ sinh bị có mùi hôi này rất khủng khiếp, nguyên nhân chủ yếu do thợ lắp đặt không hiểu rõ hoặc không làm thật tốt công việc của mình. Khi chính bồn cầu này hoặc các bồn cầu khác giật nước thì nước và chất thải chiếm chỗ trong ống, khiến cho áp suất không khí trong ống thoát nhất thời bị tăng một chút, không khí trong ống có mùi hôi sẽ tìm các chỗ chưa được bịt kín để xì ra.
Một khi thấy nhà vệ sinh có mùi hôi, quý gia chủ nên tìm thợ có kinh nghiệm để kiểm tra, có thể chỉ cần sử dụng keo chà ron, xi măng, silicon để bịt lại nếu các khe hở là nhỏ sẽ hết mùi hôi. Nếu sau xử lý đơn giản mà chưa hết mùi thì quý vị cần yêu cầu thợ tháo bồn cầu ra, (mua thêm phụ kiện zoăng cao su nếu cần) rồi lắp đặt trở lại.
Ít gặp: Một nguyên nhân khác là do kẹt ống thông hơi của hầm phân, của đỉnh ống dẫn chất bẩn trên cao (hoặc đặt ống thông quá nhỏ) nên khi giật nước thì nước và chất bẩn tràn vào chiếm chỗ gây áp suất trong ống cao thêm. Trong điều kiện bình thường thì áp suất này sẽ bị triệt tiêu vì có các ống thông hở ra môi trường; nhưng khi ống thông này bị nghẽn hoặc quá bé thì áp suất không khí sẽ tràn lại khí qua đúng đường xả thông thường của bồn cầu vào nhà vệ sinh gây mùi hôi căn phòng.
b) Mùi hôi do xộc ngược từ phễu thu nước sàn: (xin xem Hình 2) Nguyên nhân này cũng khá phổ biến. Loại mùi hôi này đỡ hơn loại thứ nhất nhưng cũng là sản phẩm mùi hôi từ quá trình lên men hữu cơ trong đường ống, bể lắng,.. nên cũng rất khó chịu và độc hại.
Một số chung cư khi thi công thoát nước sàn không làm đoạn ống cong bên dưới sàn, chỉ ngăn mùi hôi tại phễu thu sàn. Nếu thế lượng nước tạo thành vật cản mùi xộc ngược này rất ít, rất dễ bị bay hơi khô sau một vài ngày nên mất tác dụng ngăn cản mùi xộc ngược; hoặc do các căn hộ khác giật nước, áp suất không khí trong ống nhất thời thay đổi theo hướng tăng lên và sẽ tìm cách thoát ra. Do lượng nước đóng vai ngăn mùi này rất ít nên áp suất không khí dễ đẩy không khí trong ống xuyên qua màng nước mỏng manh và mùi vẫn xông ngược lên được. Cách tốt nhất là phải làm đoạn ống cong chứa bầu nước ngăn mùi như hình bên dưới (miền bắc gọi là cổ ngỗng, miền nam gọi là con thỏ). Nếu chủ đầu tư không lắp ống cong dưới sàn (để chứa lượng nước lớn như Hình 2) thì cách tốt nhất là thay phễu thu loại tốt, chứa được nhiều nước ngăn mùi đồng thời tránh để phễu thu bị khô nước.
(Chậu rửa mặt cũng có thể bị hở và xộc ngược mùi như trên nhưng hiện tượng này ít phổ biến, ít khi là nguyên nhân vì ở đây nhà SX bộ si phông chậu luôn có đoạn ống nước cong rồi. Chỉ xảy ra mùi hôi khi quá lâu không sử dụng làm nước trong ống cong bị khô hết)
c/ Mùi hôi do xộc ngược từ hộp kỹ thuật: (xin xem Hình 3) Một số căn hộ có khu vệ sịnh bị hôi do mùi xộc ngược từ hộp kỹ thuật qua khe quạt hút mùi ngược vào khu vệ sinh. Loại mùi này đỡ khó chịu hơn, nhưng cũng rất không tốt cho sức khỏe. Khi các tầng khác bật quạt thì áp lực không khí trong hộp kỹ thuật cao hơn. Nếu phòng vệ sinh không bật quạt thì không khí sẽ chui qua các khe hở của cánh quạt, kẽ hở giữa hộp quạt và tường vào phòng vệ sinh gây mùi hôi (mùi hôi này nhẹ hơn hai loại trên). Cách khắc phục là mua loại quạt tốt, sập kín khi không bật quạt và làm kín các khe giữa quạt và tường. Nhiều căn hộ phải “chế” các quạt đặc biệt để đảm bảo rất kín khi không chạy vì trên thị trường khá hiếm các loại quạt dạng hộp có độ kín khít cao.
Mùi hôi khu bếp: Đôi khi các máy hút mùi khu bếp cũng được đấu nối vào các hộp kỹ thuật khu bếp, hoặc chung hộp kỹ thuật khu vệ sinh nên có thể mùi thức ăn từ các căn hộ khác trộn các mùi hôi khác xộc ngược vào căn hộ qua cửa quạt gió hộp kỹ thuật khu bếp (cũng cấu tạo tương tự hộp kỹ thuật nhà vệ sinh) gây mùi khó chịu.
Giải pháp: Tại các chung cư cao cấp thì trên đỉnh hộp kỹ thuật trên mái nhà lắp đặt có quạt hút gió luôn luôn chạy để hút gió trong hộp kỹ thuật, từ đó hạn chế việc mùi từ căn hộ này có thể xộc ngược vào căn hộ khác.
(đây cũng là kinh nghiệm quý vị đi mua chung cư, hãy hỏi xem có hệ thống hút gió này không.
Thêm kiến thức về cầu thang thoát hiểm chung cư: Bên cạnh đó, quý vị cũng hãy hỏi về hệ thống thổi gió / bơm gió vào khu cầu thang thoát hiểm, để áp lực không khí khu cầu thang thoát hiểm hình xoáy chôn ốc từ trên xuống dưới luôn lớn hơn khu hành lang căn hộ (gọi là áp suất dương). Khi không may có cháy thì khói không thể xâm nhập vào cầu thang thoát hiểm, an toàn cho người di chuyển thoát nạn bên trong. Để duy trì áp suất dương này thì tất cả các cửa chống cháy luôn phải được đóng kín, cấu tạo cửa chỉ mở 1 chiều từ hành lang vào trong cầu thang thoát hiểm, có khả năng tự động đóng lại. Nhiều khu chung cư thì cư dân hay chèn cánh cửa để cửa luôn mở, cho thoáng khí nhưng thực chất là không tốt, sai nguyên tắc phòng cháy chữa cháy, không tạo áp lực không khí dương cho cầu thang thoát hiểm được vì khi quạt bơm không khí vào thì sẽ thoát qua các cửa mở này.
d) Mùi hôi và sức khỏe: Mùi hôi sinh ra từ việc phân hủy chất hữu cơ, có chứa hydro sulfur (H2S) và nhiều hợp chất hữu cơ khác, rất độc hại cho cơ thể khi hít phải. Thêm nữa, với các trường hợp có mùi hôi còn đồng nghĩa có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Qua đợt dịch covid 19 các nhà khoa học y tế phát hiện thấy hiện tượng các căn hộ cùng trục cùng có người nhiễm bệnh, đã khám phá nguyên nhân lây lan Covid 19 qua ống thông gió hộp kỹ thuật của các căn hộ cùng trục tầng (khi căn hộ này hút gió vào sẽ xộc ngược ra ở căn hộ khác cùng trục, gió này mang theo virus nên làm lây lan bệnh). Hiện tượng này cũng được phát hiện tại HongKong trong đợt dịch Sars vào năm 2003 có sự lây lan qua đường nước thải, bản chất là không khí trong ống nước thải thoát ra (qua khe bồn cầu, qua phễu thu sàn, qua hộp kỹ thuật) mang theo virus gây bệnh cho người khác.
2. Gió tạt qua cửa kính vào căn hộ
Một số căn hộ sau thời gian sử dụng bị nước mưa tạt vào bên trong khi mưa lớn kèm giông. Nguyên nhân đến từ hai vấn đề:
a) Do keo silicon: Keo silicon trét giữa khung cửa và tường cửa lâu ngày bị lão hóa, hoặc chất lượng keo không tốt nên mất chức năng ngăn nước, khi có mưa nước lọt qua được. Giải pháp là phải làm lại đường keo. Đây là việc chênh vênh, khá nguy hiểm khi thực hiện, cần rất chú ý vấn đề an toàn.
b) Do lỗ thoát rãnh nước của cửa bị tắc nghẽn: Do lâu ngày bụi rác lọt vào khe rãnh cửa trượt nên các lỗ khoan thoát nước của rãnh này bị nghẽn. Cần kiểm tra và vệ sinh thường xuyên. Có thể gặp các trận mưa lớn mới bị tràn, mưa nhỏ vẫn thoát kịp thì nghiên cứu khoan thêm các lỗ để khả năng nước thoát nhanh hơn. Kinh nghiệm cho thấy nên khoét các lỗ bằng cách tạo rãnh cắt thì năng lực thoát nước nhanh và nhiều, ít bị nghẽn thay vì chỉ khoan lỗ tròn.
c/ Do gioăng / ron cao su, gioăng / ron lông chổi có tác dụng ngăn nước bị hư: Sau quá trình lâu ngày sử dụng hoặc chất lượng sản phẩm kém. Trường hợp này phải thay thế.
Nhìn chung trường hợp nước lọt qua cửa sổ thì cần xem xét ngay tại lúc bị nước vào thì sẽ biết nguyên nhân. Một khi đã sửa một nội dung thì cũng nên sửa thêm các nội dung khác (ví dụ thay ron cửa thì cũng nên làm lại silicon luôn), coi như hình thức bảo trì ngôi nhà vậy.
3. Trần thạch cao bị ẩm: Nếu không từ thấm từ căn hộ bên trên thì là do đường ống bảo ôn máy điều hòa không khí không tốt, gây ngưng tụ nước xung quanh rồi đọng lại, rỏ rọt xuống trần. Cần khắc phục sớm tránh lâu sẽ sập trần.
4. Nước chảy ra từ vòi bị dơ bẩn: Do nguồn cấp nước từ công ty nước sạch, quý gia chủ nên theo dõi và đề nghị Ban quản lý chung cư thường xuyên xét nghiệm nước để đảm bảo sức khỏe cư dân cả toàn nhà.
5. Sàn gạch bị vồng lên: Với chung cư thì khả năng bị biến dạng một chút về kết cấu, cũng có thể do việc trộn vữa lát sàn không tốt, vữa chưa ngấm nước đủ , vữa có các thành phần trương nở sau này mới phát tác. Cần yêu cầu kỹ thuật viên tòa hoặc chủ đầu tư nhà xem xét giúp.
6. Sinh hoạt, sửa chữa của nhà phía trên gây ồn bên dưới: Đây là hiện tượng hay xảy ra với chung cư, nên đề nghị qua ban quản trị để mọi người có ý thức hơn. Và quý chủ nhà cũng cố gắng nén nhịn, góp ý nhẹ nhàng, thiện chí để giữ hòa khí chung trong cộng đồng.
7. Nắng gắt hướng Tây gây nóng bức: Đây là hiện tượng chung, nhất là các ngôi nhà nhiều kính thì hiệu ứng nhà kính sẽ làm bên trong tăng nhiệt độ rất nhanh. Có thể xử lý giảm bớt bằng dán film cách nhiệt tại các khung kính hướng mặt trời chiếu rọi vào đồng thời cũng làm giảm các tia có hại từ mặt trời, giúp cư dân giữ gìn sức khỏe tốt hơn.
8. Mùi hôi khu đổ rác chung: Một số chung cư làm đổ rác kiểu ống để rác rơi xuống kho rác tầng trệt / hầm. Một số thì sử dụng thùng rác từng tầng, cuối ngày nhân viên đẩy thung rác xuống kho rác. Khu đổ rác từng tầng nếu bị kiểu thùng rác gom thì ít khi mùi hôi nặng nhưng kiểu ống rác thì có thể có mùi hôi xông ngược từ kho rác. Giải pháp thường là làm kín ống rác, cửa đổ rác từng tầng. Bố trí trên nóc nhà một cái quạt hút luôn chạy để hút không khí lên trên mái, không xông ngược vào các khu rác từng tầng.
9. Mùi hôi, khí nóng điều hòa không khí, mùi thức ăn,… từ bên ngoài lọt vào: Thường xảy ra với các căn hộ thấp tầng, gần các nhà hàng, văn phòng. Quý chủ nhà cần nghiên cứu khi mua căn hộ, nếu xảy ra thì cần đề nghị Ban quản lý tòa nhà, Ban quản trị tòa nhà, Chủ đầu tư giúp đỡ và xử lý.
10. An toàn tránh rơi từ trên cao: Đã có nhiều vụ người / vật bị rơi, nhất là các em bé gây hậu quả rất nghiêm trọng. Giải pháp làm các lưới chắn rơi ngã với các gia đình có các em bé là việc nên làm.
*****
Nếu quý chủ nhà còn có các nội dung cần tư vấn làm rõ, trao đổi thêm xin hãy liên hệ với Reva Inter Ltd theo email reva.hcm@gmail.com hoặc số điện thoại hotline 0988293348 . Xin cảm ơn.