Khi mua căn hộ mới, khách hàng trước khi được giao nhà đều qua bước Chủ đầu tư mời đến ký nghiệm thu kĩ thuật căn hộ.
Và đa số quý gia chủ khá bối rối đứng trước việc nghiệm thu này, trong khi thực tế đây là khâu quan trọng, một khi đã ký vào biên bản là đã đồng ý với chất lượng được giao.
Chúng tôi khuyến nghị quý vị nên nhờ người có kinh nghiệm về xây dựng đi nghiệm thu dùm.
Một số nội dung cần chuẩn bị trước khi đi nghiệm thu là: Hồ sơ mua bán căn hộ có bản vẽ, bút thử điện, kìm, tô vít bốn cạnh và hai cạnh, thước cuộn, thước thẳng tối thiểu 1,5m, xô đựng nước (để dội thử các vị trí), đèn pin, đoạn dây dài khoảng 5-7m.
Một số nội dung quý chủ nhà cần xem xét khi nghiệm thu căn hộ:
1. Kiểm tra diện tích căn hộ so với hồ sơ mua bán:
Trong hồ sơ mua bán luôn có các bản vẽ kỹ thuật chi tiết căn hộ kèm theo và mô tả rõ cách tính diện tích (lọt lòng – thông thủy hay tim tường). Nếu bản vẽ chỉ là hình ảnh không có kích thước thì quý vị có thể đề nghị Chủ đầu tư cấp bản vẽ chi tiết có các kích thước để tiện kiệm tra. Bản vẽ tối thiểu khổ A3 để việc kiểm tra và ghi vào đó được dễ dàng. Việc đo đạc lại để tính toán diện tích là cần thiết. Nếu thiếu diện tích thì cần làm việc với chủ đầu tư về nội dung này.
2. Kiểm tra tường, trần, sàn
Sơn tường phải đều màu, không loang lổ, bật đèn điện rồi đặt mắt sát vào tường nhìn về hướng đèn để cảm nhận độ phẳng của tường. Dùng đèn pin chiếu dọc tường để kiểm tra góc nhìn từ mắt đi các hướng. Dùng thước cứng để áp vào tường và dùng sợi dây kéo từ góc này sang góc kia thử độ phẳng của tưởng. Các góc tường phải vuông, sắc nén, thẳng. Các điểm giao nhau cũng vậy. Các hốc như đục lỗ lắp máy lạnh, .. phải được làm lại tròn trịa.
Trần thạch cao cũng cần kiểm tra độ phẳng, sơn đều chưa, các lỗ khoét đèn có đều đẹp không, các đèn khoét thẳng hàng không? mép thạch cao có thẳng và sắc không? Góc vuông tạo bởi thạch cao và tường có vuông đều, chạy thẳng không? Bật đèn thử xem có bị lọt sáng qua kẽ đèn và thạch cao không?
Sàn kiểm tra xem phẳng chưa bằng cách đặt mắt sát sàn nhìn ra, đặt thước kiểm tra, các mạch lát phải đều, phẳng, kín khít. Dùng vật nhẹ gõ lên các viên gạch xem có tiếng bộp không là chưa được lấp kín vữa bên dưới. Hoa văn viên gạch phải phù hợp, khớp nhau. Với sàn gỗ phải đi thử xem có phát ra tiếng kêu ọp ẹp không, có bị vồng lên chỗ nào không, nẹp tường nối nhau phẳng ra sao, các nẹp kết thúc khu cửa phải phẳng, kín. Sàn gỗ thì đề nghị chủ đầu tư cấp hồ sơ xem thương hiệu gì, bảo hành ra sao, độ dày thế nào,..
3. Kiểm tra cửa đi, cửa sổ, khu bếp
Các bộ cửa: Có màu sắc đều nhau, trong cùng cánh cửa, giữa cánh cửa và khuôn cửa, và nẹp cửa. Bề mặt hoàn thiện có phẳng chưa, có xơ dăm gỗ không. Cánh lắp phải thẳng, mở ra vào không có tiếng kêu, không sạt xuống sàn (thường cách đều ~5mm), cửa không tự trôi (đóng – mở) khi để ở góc 45 độ. Các chỗ lắp vít khóa, bản lề phải còn sắc nét, không toét mũ. Khóa và mở thử thấy dễ dàng là yêu cầu bắt buộc, mỗi khóa phải kèm tối thiểu 2 chìa. Nếu quý vị quan tâm đến kích thước lỗ ban thì cần kiểm tra so sánh với bản vẽ cho chắc chắn.
Đối với cửa nhôm kính, thường còn nguyên lớp bảo vệ nilon, đóng mở nhẹ nhàng, silicon bơm mép đều nhau. Khóa cửa nhôm dùng tay giật và đẩy nhẹ, cánh không được rung lắc quá mạnh, khóa và mở dễ dàng, bộ khóa cũng phải tối thiểu 2 chìa.
Đối với khu bếp: Kiểm tra tủ bếp về chất liệu, mức độ hoàn thiện, các phụ kiện như ray trượt, phụ kiện inox phải đủ. Mặt đá đều màu, không bị rạn vỡ, chậu rửa được gắn chắc chắn lên mặt đá, (thường hạ thấp hơn mặt đá), các vòi nước hoạt động tốt, kiểm tra bên dưới xem có bị rò nước? xả nước thử xem có thoát nhanh không? Phần điện cho bếp đã đủ chưa, kiểm tra hồ sơ về kích thước dây dẫn vì khu bếp dùng điện rất nhiều. Phần quạt hút mùi của bếp cũng cần chú ý tránh hiện tượng xông ngược mùi từ hộp kỹ thuật.
4. Kiểm tra các khu vệ sinh:
Kiểm tra gạch ốp lát tương tự khu sàn nhà nhưng chú ý việc thoát nước có tốt không, có bị đọng nước sàn không.
Kiểm tra các thiết bị vệ sinh có được đẹp, có bị sứt mẻ không? Nước cấp vào đủ không? xả thử xem có bị tắc ngẽn không? Kiểm tra sen vòi bằng cách vặn thử xem áp lực nước có tốt không, có bị bắn giọt ra ngoài không.
Nhà vệ sinh rất thường có mùi hôi, nguyên nhân là do xông ngược mùi từ phễu thoát sàn, xông ngược từ quạt hút mùi,… nên phải kiểm tra chú ý.
Nếu có vách tắm kính thì cần đóng mở thử, thoát nước khu tắm phải riêng rẽ với khu khô bên ngoài, có biện pháp chống nước tràn sàn ngoài ra khi tắm.
5. Kiểm tra ban công, lô gia
Ban công, lô gia cần kiểm tra độ chắc chắn của lan can, sơn lan can đã đều chưa, có bị han gỉ không, mức độ thoát nước mưa ra sao, chú ý không nên có các nan ngang kích thích trẻ em trèo lên. Tính toán phương án gắn lưới phòng ngừa trẻ em té ngã. Có thể đóng cửa rồi hắt thử nước xem mức độ chống nước của hệ cửa tốt chưa.
6. Kiểm tra hệ thống điện, điện nhẹ
Kiểm tra hệ thống các ổ điện, công tắc, ap to mat (CB) trong hộp kỹ thuật, vị trí cắm cáp TV, cắm jack internet, điện thoại có dây.
Kiểm tra các đèn điện, quạt hút mùi, các thiết bị sử dụng điện khác.
Nếu có hệ thống máy lạnh thì cần kiểm tra và bật tất cả các máy đồng thời để kiểm tra hệ thống dây dẫn, áp tô mat (CB). Các áp tô mát cần được ghi rõ là bảo vệ phần nào của căn hộ trên thân thiết bị.
7. Kiểm tra hệ thống đồ gỗ nội thất
Các đồ gỗ nội thất trong căn hộ thường là tủ bếp, tủ quần áo, nếu có cần được kiểm tra kỹ về chất liệu gỗ, đóng mở cánh thử để kiểm tra độ kín khít, không bị xệ cánh, các khóa luôn cắm sẵn chìa để đóng mở thử, màu sơn phải đều màu, mức độ hoàn thiện các mép, các đường soi,.. phải đạt yêu cầu.
8. Hồ sơ hoàn công điện nước, chốt công tơ
Sau khi kiểm tra các nội dung trên, chủ nhà đề nghị Chủ đầu tư trao bộ hồ sơ hoàn công điện nước để biết sơ đồ đi dây, đi ống để an toàn trong quá trình sử dụng. Hai bên cũng cần xác định vị trí lắp công tơ điện nước, chốt chỉ số tại ngày bàn giao.
9. Ký biên bản nghiệm thu
Nếu không phát hiện các lỗi lớn, chỉ là tồn tại một số lỗi nhỏ thì chủ nhà có thể ký nhưng ghi rõ các lỗi đang tồn tại, yêu cầu khắc phục hoặc yêu cầu sửa xong thì mới nhận bàn giao.
Quá trình đi nhận Chủ nhà cần thực hiện lần lượt từng công việc, không bị cuốn đi hay bị tác động thúc giục của nhà thầu , chủ đầu tư dễ bỏ qua các lỗi.
Trước khi rời đi, quý chủ nhà cần thay chìa khóa hoặc dán niêm phong đề phòng có thể bị vào đổi thiết bị sau khi đã nghiệm thu.
Bản ghi các nội dung từng bước, quý vị có thể tìm thấy Tại đây để in ra khi đi làm việc.