Phần điện và điện nhẹ đã được trình bày khá kỹ trong web nhưng chúng tôi xin giải thích thêm một số phần nội dung như sau:
- Phần điện 220V (một pha) hoặc 380V (3 pha)
- Thiết kế mạch điện và tính tiết diện dây dẫn: Phải được nghiên cứu kỹ dựa trên nhu cầu thực tế gia chủ và phải được tính toán bởi người có chuyên môn.
- Xung quanh khu bếp ngày càng nhiều thiết bị dùng điện như nồi cơm, lò vi sóng, lò nướng, bộ sấy chén bát, máy xay, máy lọc nước, các cảm biến khác….. nên cần bố trí nhiều ổ cắm trên tường bếp, dưới gầm tủ bếp.
- Nghiên cứu để 1 nguồn 110-120V cho khu bếp vì hiện nhiều thiết bị Nhật Bản, Mỹ “nội địa” nhiều các chị em phụ nữ rất ưa thích bởi chất lượng và sự tiện dụng. Dùng màu sắc và ổ cắm dạng khác để tránh nhầm.
- Điện phải đi trong gen cứng chôn trong tường, phần đi ngoài có thể là gen cứng hoặc gen mềm (dạng ruột gà) nhưng chú ý tránh lọt nước vào, tính thoát nước nếu không may có nước lọt vào. Chú ý giám sát chi tiết này khi giao thầu kiểu trọn gói bởi không nhiều nhưng vẫn có các nhà thầu tiết kiệm bằng cách đi dây trực tiếp tại các vị trí họ cho là ít quan trọng, khó thấy.
- Đường ống dây điện phải luôn phải lắp theo phương thẳng đứng và ngang, không được lắp chéo (dù như vậy tiết kiệm vật tư ống và dây). Điều này rất ý nghĩa trong việc an toàn sau này khi sử dụng và sửa chữa ngôi nhà, tránh việc khoan đục vào các đây điện gây nguy hiểm.
- Màu dây điện nên thống nhất toàn công trình. Ví dụ dây màu đỏ là dây “nóng”, dây “lửa”. xanh là dây “lạnh” vàng là dây tiếp địa. Với công trình dùng điện 3 pha cũng nên quy định. Sau khi kết thúc công trình đưa nội dung quy ước này vào hoàn công điện.
- Chú ý bố trí ổ cắm công tắc điện tránh cửa sổ, cửa đi đập vào. Nên lắp đặt công tắc loại có cửa chắn lỗ cắm, khi cắm đồng thời hai cực của phích cắm thì mới vào được (trẻ con nghịch lấy 1 thanh kim loại chọc vào cũng vẫn an toàn vì không mở ra được)
- Bố trí vị trí chuông hợp lý, nhất là chuông có màn hình cần các sợi dây tín hiệu bên cạnh dây điện 220v. Chuông điện có nút tắt từ trong nhà để vô hiệu hóa chuông khi muốn (đôi khi không muốn chuông kêu, tránh bị làm phiền). Lưu ý khi chôn ống dây chuông cũng như các ống dây ngoài trời khác thì ngoài chú ý chống nước thì luôn để độ dốc vì lý do nào đó nước lọt vào thì sẽ chảy và bố trí chỗ thoát tránh đọng nước gây chập cháy. Các đường ống ghen tại các vị trí có thể hở thì nên theo phương trên xuống hoặc ngang, tránh dưới lên có thể gây lọt nước vào. Chuyện này thực ra tưởng ít xảy ra nhưng với thợ sửa chữa nhà thì là chuyện không hiếm gặp.
- Bố trí nối đất (tiếp địa) đúng kỹ thuật vì nhiều thiết bị vỏ kim loại như máy giặt, máy bơm, bình đun nước nóng đều phải yêu cầu tiếp địa đảm bảo an toàn khi sử dụng. Lưu ý nên tiếp địa cả mái tôn, hệ khung kim loại mái. Và hệ tiếp địa này phải độc lập với hệ tiếp địa chống sét. Đúng ra theo tiêu chuẩn thì hàng năm phải đo điện trở để xem chất lương hệ tiếp địa ra sao.
- Với các nhà mặt phố có thể tách nguồn tầng 1 để sẵn sàng cho thuê riêng tầng 1 hoặc phần ngoài để kinh doanh nếu cần.
- Với các nhà có thể cho thuê, mặt bằng rộng rãi thì nên chôn sẵn ống gen ngay cửa ra vào để mai sau có thể cho thuê mặt bằng, bên thuê đặt dây an ninh, dây cửa chống lấy hàng ra ngoài,..
- Ổ điện chờ cho lắp máy sấy, đèn sưởi phòng tắm (miền Bắc) phía trên cao cách đỉnh vòi sen 20-30cm. Ngoài ra hiện các thanh giá treo khăn trong phòng tắm cũng có loại sấy khăn dùng điện nên cũng cần nguồn điện. Các thiết bị sưởi , sấy nhìn chung có công suất điện khá lớn nên dây dẫn phải lớn hơn 2mm2, công tắc phải trên cao tránh nguy cơ nước phun vào.
- Dự phòng nguồn vào cho máy phát điện gồm 1 cầu dao đảo chiều và nguồn. (Cũng sẵn sàng để lắp 1 công tơ đối chứng). Tính toán sẵn chỗ lắp máy phát điện về ống xả, tiếng ồn,..Thường đặt ở sân, vườn, hầm (thì cần có đường xả khí) hay tầng thượng.
- Một số loại bồn cầu hiện đại yêu cầu nguồn điện để xịt nước, làm ấm mặt bệ, chiếu đèn cực tím diệt khuẩn…, nên cần chú ý ổ cấp điện khu vực này.
- Chọn dây dẫn một sợi, ít sợi hay dây dẫn nhiều sợi kim loại: Như phần Kiến thức đã trình bầy, nên dùng dây nhiều sợi thì có nhiều ưu điểm hơn: Mềm hơn nên dễ luồn ống hơn, dẫn điện tốt hơn dù cùng tiết diện (do hiệu ứng bề mặt). Chú ý nhiều bên cung cấp dây lõi nhôm mạ đồng thì dẫn điện kém hơn đồng nên cần chọn mua tại nhà cung cấp uy tín.
- Phần lớn các máy móc dùng điện đều đã được các nhà SX tính toán để an toàn nhưng các sự cố, sai sót vẫn có thể xảy ra nên khuyến nghị quý vị nên lắp đặt các thiết bị cắt an toàn điện cho các máy móc có nguy cơ gây điện giật cho người dùng như bình nước nóng điện, các thiết bị vỏ kim loại,… Xin xem thêm tại bài viết Thiết kế thi công hệ thống điện an toàn tại đây.
- Một số người có khả năng về điện sẽ làm đôi dây dẫn lên bồn nước trên mái (bên cạnh đôi dây nối vào phao). Đôi dây này sẽ chỉ là dây 12V sẽ nối vào một biến áp 12v bố trí tại khu nào đó trong nhà, để làm dây báo khi van nước hỏng dẫn đền bơm tràn bồn mái. Thị trường thì chưa có sản phẩm chuyên dụng này nhưng một số người thích nghiên cứu có thể làm ra các thiết bị đơn giản để đóng mạch điện 12V khi nước tràn ra (dùng phao đóng điện khi có nước tràn), làm sáng đèn hoặc loa bên dưới nhà báo cho biết đang tràn bể mái. (nếu cần tư vấn xin liên hệ để được hỗ trợ bộ thiết bị này)
- Chú ý vị trí cấp điện, cáp cho lắp wifi chung toàn nhà (thường là khu cầu thang). Hiện nay đã có các giải pháp của các hãng viễn thông để phủ wifi toàn nhà (ví dụ của Viettel là Home wifi với giải pháp wifi mesh sẽ phủ wifi rộng khắp ngôi nhà.
- Nguồn điện cho cửa cuốn nên làm thêm một áptomát (CB) nối tiếp cho phòng ngủ chính, buổi tối chỉ cần trong phòng ngủ tắt CB thì không còn điện vào cửa cuốn nữa, rất an toàn, chống dò sóng mở được cửa, bấm nút cửa từ bên trong cũng mất tác dụng.
- Chiếu sáng hầm cần có 1 công tắc riêng để đóng / mở ngay tại cửa hầm, 1 công tắc tại cầu thang lên tầng trệt nối nhau bằng công tắc 3 cực kiểu cẩu thang. Đèn hầm tại các khu vực khác có thể bố trí bên trong, có thể chia thành công tắc cho các khu vực chiếu sáng riêng.
- Khu bàn ăn nên làm ổ điện ngầm tại sàn, gần vị trí chân bàn ăn rất tiện cho thiết bị nấu ăn cần điện như lẩu, nướng. Loại ổ điện sàn này có nắp đóng mở rất an toàn, khi không dùng thì đóng lại sàn phẳng bình thường. (phải đảm bảo không để nước tràn vào sàn, chỉ lau sàn bằng khăn ẩm, không đổ nước lênh láng ra sàn). Cũng nghiên cứu nguồn điện cho các dịp ví dụ như trang trí cây thông noel; cây đào, cây mai, cây quất,… tuy ít dùng nhưng lại rất cần mỹ quan trong các ngày lễ tết.
- Khu thờ cần bố trí thông gió tốt, chống mùi nhang gây độc hại nên nên có 1 đường dây dự phòng cho quạt hút.
- Các nhà mặt tiền lớn, vỉa hè rộng có thể tính đến làm nguồn ra phía ngoài (vẫn phía bên trong tường nhà) để cắm điện máy bơm rửa xe gia đình (nguồn nước nên có như khuyến nghị phần cấp nước), chiếu sáng đột xuất, các nhu cầu điện không thường xuyên khác. Lưu ý nên dùng ổ cắm có nắp bảo vệ tránh mưa. Có công tắc / aptomat bên trong để tắt cho nguồn điện này khi không sử dụng (trong trường hợp nguồn này ở cổng cách xa nhà)
- Tính sẵn nguồn điện dây cáp điện tiết diện lớn từ mạng điện vào căn nhà rồi ra khu vực cổng, cửa cùng aptpmat / CB công suất lớn để cho mục đích sạc pin xe máy điện, ô tô điện trong tương lai sẽ rất phổ biến (có thể tính toán cho thuê nguồn để sạc cho chủ xe khác nếu vị trí căn nhà đủ thuận lợi).
- Điện cấp cho bơm nước thì nên có 2 nguồn: 1 nguồn do van phao tự động điều khiển, 1 nguồn luôn có điện. Nguồn van phao nên đánh dấu rõ. Nên chú ý dùng rơ le để không dùng điện 220v (kể cả dây âm) để đấu phao điện. Xin xem phần Thiết kế thi công hệ thống điện an toàn để rõ hơn về thiết bị rơ le này.
- Cấp nguồn điện chôn sẵn cho quạt thông gió từng tầng.
- Để điện nguồn và dây dự phòng cho cáp 8 sợi (internet) với các căn nhà mặt tiền có dự kiến làm biển hiệu quảng cáo bảng LED lớn hoặc thắp sáng hoặc hệ thống an ninh cảm biến hồng ngoại…
- Với các sàn mái bằng lát gạch sân thượng, nên đưa các ổ cắm điện lên trên đó để sử dụng nhiều dịp rất tiện dụng, ví dụ liên hoan, cắm quạt điện, cắm đèn chiếu sáng, đèn trang trí, điện âm thanh, quạt BBQ,…Tất cả ổ cắm điện phải có nắp chuyên dụng che mưa, lắp cách sàn tối thiểu 50cm.
- Luôn để dành một vài ống gen dự phòng cho các trục chính nhà để lắp đặt các thiết bị an ninh, PCCC,… sau này có thể phát sinh.
- Nếu dùng quạt trần thì chú ý lắp đèn ở các chỗ trên cao tránh ánh sáng lóa lóa khi quạt chạy.
- Nguồn điện cho khu cúng ông địa, bàn thờ; điện cho các vị trí chưng đào quất mai thắp đèn nhấp nháy
- Bộ lưu điện của cửa cuốn phải được kiểm tra thông số để đảm bảo số lần nâng / hạ cửa theo cam kết của bên bán vì thực tế có nhiều bộ không đạt.
- Điện chiếu sáng sân, mặt trước nhà có thể bật được từ sân và cả trong phòng ngủ chính, sẽ rất tiện lợi khi cần bật sáng an ninh ngay trong phòng ngủ.
- Tính toán sẵn điện chân tường, chiếu tranh tường bên ngoài, điện cho sục bể cá ngoài sân,…
- Cho các phòng ngủ thì nên bố trí công tắc ba cực kiểu cầu thang ở đầu giường chỗ dễ sử dụng và một công tắc ở cửa ra vào để sử dụng rất tiện lợi.
- Điện cho cảm biến chống trộm thường đặt ở các khu trước, sau nhà. Lưu ý một số loại thiết bị chống trộm cảm biến hồng ngoại có các đường điện ra để từ đó nối với đèn, chuông cho tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ nên nếu có thể thì nên để cả đường điện vào thiết bị và đường điện từ thiết bị vào trong nhà, nơi sẽ đặt đèn, chuông báo động.
- Bố trí một đường dây cho khu vệ sinh lắp công tắc dạng kéo – buông tay ra là hết đóng điện. Rất thích hợp cho người già sử dụng khi cần gọi người hỗ trợ.
- Nhà nhiều tầng cho thuê tính sẵn việc phân chia khu vực để lắp công tơ riêng rẽ cho từng khu vực, từng tầng.
- Nên dùng CB / aptomat chống dòng rò (RCCB; ELCB hoặc RCBO) cho mỗi khu vực ví dụ khu bếp, khu vệ sinh,… lắp mỗi khu một thiết bị tổng . Nó sẽ có tác dụng ngắt điện khi điện giật tức là khi đó có dòng rò qua cơ thể (hay gọi dễ hiểu là CB / aptomat chống giật). Về nội dung này xin xem thêm phần Thiết kế thi công hệ thống điện an toàn.
2. Điện nhẹ (điện thoại, ăng ten, internet, camera, âm thanh, nhà thông minh…)
- Trung tâm phân chia điện nước , điện thoại, cáp TV phải dễ dàng sử dụng, tiếp cận, sửa chữa.
- Cân nhắc làm nguồn điện cấp cho khu rèm, nhiều rèm hiện đại sử dụng motor. Nên đặt cả dây cáp RJ nếu dự kiến / có ý định làm nhà thông minh kết nối internet.
- Làm sẵn dây internet, cable TV, tel, camera,… loại tốt,nghiên cứu ống luồn cáp quang. Vì các hệ thống kĩ thuật phát triển nhanh nên Chủ nhà nên tính toán dự phòng nhiều cho dây, thiết bị điện,..
- Yêu cầu đặc biệt cho phòng giải trí gia đình, phòng nghe nhạc phải được làm âm chuẩn, để sẵn các ống ghen cho âm thanh. Nên tham vấn chuyên gia âm thanh nếu cần thiết.
- Trang trí trong các căn phòng kiểu tranh đèn hắt rất phổ biến, (hoặc các biển quảng cáo, biển logo, biển tên công ty..) chủ yếu là dùng điện 12V DC nên với các vị trí lắp tranh, tượng, phù điêu hắt thì nên có đường dây để có thể cung cấp điện 12V DC hoặc 220V AC tùy nhu cầu. Với 12V DC có thể bố trí 1 khu vực giấu bộ chuyển nguồn 220V về 12V tại vị trí kín đáo để rồi cấp điện cho các khu đèn LED.
- Nên làm sẵn một ống gen lên trên mái để luồn dây ăng ten hoặc các thiết bị thu phát khác nếu cần sau này.
- Lắp đặt camera an ninh hiện rất phổ biến, cần có các đường ống đi dây (nếu không dụng loại phát wifi) để dễ dàng lắp đặt sau này. Camera cần được tính toán đặt sẵn dây, ống chôn ngầm,… để lắp đặt tại các vị trí có tầm quan sát rộng mà không quá lộ liễu dễ bị mất tác dụng.
- Các loại dây cáp điện thoại, cáp TV,… phải được tìm hiểu kỹ về sơ đồ đấu nối, bộ chia tín hiệu, bộ kích tín hiệu,… trước để đảm bảo chất lượng sử dụng sau này.
- Với các căn phòng có thể chuyển đổi thành shop thì có thể chôn sẵn 1 đường ống ngang sàn khu vực cửa ra vào để dự phòng gắn thiết bị chống trộm cắp ngay lối đi như rất phổ biến ở các siêu thị.
- Nếu làm văn phòng cần tính toán để ống gen cho cáp projector (máy chiếu)
Tuy xu thế hiện nay là wifi hóa, 4G, 5G hóa nhưng việc bố trí các đường dây cáp vẫn rất tốt, hữu hiệu và đem lại tốc độ, sự ổn định, tin cậy hơn, hạn chế việc có quá nhiều sóng wifi, 4G, 5G, sóng radio khác mà tác dụng với sức khỏe con người vẫn chưa thực sự thật an tâm.