Phần cửa, cầu thang, mộc nội thất

Phần cửa đi, cửa sổ bằng cửa nhôm, cửa nhựa lõi thép

  • Cửa sổ có một số loại như cánh bản lề xoay mở, cánh trượt, cánh mở kiểu xoay, cánh mở kiểu hất. Mỗi kiểu có ưu nhược riêng,
  • Kiểu cánh bản lề xoay truyền thống: Ưu là đơn giản, dễ làm nhưng hay bị va đập khi có gió, cần chốt chặn; dễ bị nước mưa hắt vào. Kiểu cánh mở “chữ A”: Tương tự kiểu bản lề nhưng là cửa áp dụng cho nhôm kính, nhựa lõi thép.
  • Kiểu cánh trượt: Ưu là thông gió tốt, đơn giản giá rẻ, chắc chắn khi có gió mạnh nhưng nhược là bị hắt nước khi mưa mà quên đóng cửa.
  • Cửa kiểu bên dưới hất ra thì luồng gió vào kém nhưng luồng gió ra thì tốt nên với các hướng gió vào thì không nên dùng (ưu là không bị hắt nước mưa khi quên đóng); …Nếu là các căn phòng trên cao mà bên dưới có máy điều hòa xả khí nóng, mùi không mong muốn thì khí nóng bay lên dễ xâm nhập vào căn phòng hơn các loại cửa khác.

>> Lời khuyên là với hướng đầu gió nên làm cửa trượt, cửa bản lề và cuối hướng gió nên làm cửa kiểu hất.
Dù là cửa loại nào thì  việc trét silicon khung cửa vào tường, việc trét phải cẩn thận, dùng silicon tốt.

  • Kính cường lực: Lắp phải để kính “thở” khi trời nóng nó sẽ nở ra. Thường các lỗ và xung quanh được bọc zoăng cao su mềm. Nếu không có chỗ nở kính sẽ bị “nổ”. Kính nhiệt luyện (tempered) khi vỡ sẽ vỡ tan tành từng mảnh nhỏ bằng ngón tay. Chú ý khi cửa bị xệ chạm sàn thì khi đóng mở cũng dễ gây “nổ” cửa.
  • Khi lắp đặt kính dạng tấm thì hãy chú ý làm rõ với bên bán về khổ ngang tấm kính với người, tránh bị ghép nối kính bán vì kính cùng loại nhưng khổ bé thì rẻ hơn. Ví dụ vách ngang 3m cao 2,5m thì ngang 3m này cấu tạo bởi mấy tấm nhỏ hay toàn bộ ngang 3m là một tấm thì giá rất khác nhau.
    Về cửa lùa kiểu Nhật bản, xin xem thêm tại đây.

Với cửa gỗ, cầu thang gỗ, đồ mộc nội thất

  • Cửa lấy sáng cầu thang không rộng quá, tránh làm nứt cầu thang, đồ dùng gia đình. Nhất là cửa lấy sáng kính trên mái, khi trưa nắng gắt thì là lúc ánh sáng mạnh nhất xuyên xuống dưới sẽ có các tia UV mạnh, làm bạc màu, nứt nẻ đồ gỗ.
  • Chú ý lan can đủ cao và phải tính toán ngăn chặn trẻ em rơi ngã qua khe lan can
  • Các cửa đi nên có ô thoáng phía trên hoặc nan chớp phía chân cửa để tạo luồng không khí. Ngay cả khi bật máy lạnh thì cũng nên để các luồng như vậy dù có tổn thất chút nhiệt nhưng sẽ có một phần thông gió (các phòng đông người thì thường chạy máy lạnh nhưng người ta vẫn lắp quạt thông gió hoạt động để luôn luân chuyển không khí trong phòng)
  • Cửa gỗ cần hạn chế dùng cho các khu có độ ẩm cao như khu vệ sinh, khu giặt,… (nhất là gỗ công nghiệp) dễ bị hấp thu hơi ẩm rồi sẽ trương nở dần dần.
  • Với các đồ gỗ tự nhiên như cầu thang gỗ, cánh cửa, đồ nội thất khác thì tránh các thanh gỗ có mắt gỗ gây mất thẩm mỹ. Việc này quý gia chủ cần mặc cả với bên cung cấp đồ gỗ.
  • Chú ý chọn kiểu cách đồ nội thất chú ý đến an toàn, không những an toàn cho gia đình mà cả khách đến chơi, các em nhỏ hiếu động. Tuyệt đối tránh các đồ vật có góc cạnh quá nhọn, sắc, các mũi nhọn,.. như hình ảnh lan can bằng sắt có các mũi nhọn, các khe hẹp trẻ dễ đút tay vào nguy hiểm.
  • Ốp gỗ vào tường thì đẹp nhưng có khả năng kiến, gián làm tổ giữa gỗ và tường rất cao, >> nên nghiên cứu để có lỗ, khe đặt thuốc , xịt ….
  • Đồ mộc nội thất phải được làm rõ chất liệu, nhà SX, linh kiện phụ kiện, vì giá rất khác nhau, chất lượng rất khác nhau nên nếu hợp đồng chỉ nêu tên vật liệu là không đủ. Ví dụ đồ gỗ công nghiệp MDF cần nêu tên nhà SX và các tính năng ví dụ chống ẩm, chống mốc,…. Linh kiện nội thất như bản lề, giảm chấn, tay co,… thì cũng cần làm rõ chủng loại, nguồn gốc,…Cấu tạo đồ đạc nên được vẽ ra, mô tả kĩ lưỡng để tránh các vấn đề gây tranh cãi, ví dụ cửa công nghiệp thì cấu tạo thế nào, mặt cắt ra sao, trong lót bằng vật liệu gì, đồ dày, chủng loại các vật liệu bề mặt….
  • Hạn chế sử dụng kiểu tủ kệ gắn tường kiểu treo như hình ảnh. Nhất là nhà có em bé vốn rất hiếu động, rất thích trèo lên tủ để ngồi. Nên làm kiểu tủ kệ có chân xuống sàn. (Trừ khối trên của tủ bếp thì buộc phải treo nhưng cần giám sát kỹ, đã có nhiều vụ rơi sập khối tủ trên của tủ bếp gây đổ vỡ đồ đạc và bị thương người đứng dưới.
  • Đồ mộc nội thất thường được thiết kế rõ các thông số để quý vị có thể kiểm tra theo Lỗ ban nếu quan tâm, cần mô tả rõ vật liệu ví dụ cùng là tủ gỗ nhưng dày bao nhiêu, từng vách bề mặt gì, linh kiện kim loại gì,…,
  • Làm giường ngủ thì nên làm gờ để đệm / nệm lọt vào cao >2cm. Kích thước lọt lòng nên cao hơn nệm. Ví dụ dự định 1,8m x 2m thì cần làm 1.81m và 2.01m vì khi đặt đệm / nệm 1.8x2m vào sẽ vừa lọt. Nhiều loại nệm, ví dụ như Dunlopillo nếu làm đúng vừa kích thước khi lắp vào sẽ khó lọt vừa vặn.
  • Hiện nay robot lau nhà (ban đầu chỉ là robot hút bụi nay đã có thể lau bằng nước sạch) đã phát triển nhanh, khá thông minh và được ứng dụng rộng rãi. Để robot hoạt động tốt thì trong thiết kế đồ mộc nội thất thì các đồ vật như tủ, sofa nên làm đáy hoặc sát mặt sàn hoặc cao hơn sàn ~12cm trở lên để robot có thể chui vào lau bên trong.
    Đóng đồ gỗ nội thất hay đi mua đồ sẵn tại shop:
    Đây là câu hỏi rất hay gặp, không có câu trả lời chung. Theo phân tích dưới đây, tùy trường hợp nào mà quý khách lựa chọn phương án nào tốt hơn.
    Ưu điểm đồ mua sẵn: Nhanh có hàng, giá trung bình (SX hàng loạt giá tốt nhưng chịu chi phí thương mại, cửa hiệu); đa dạng để lựa chọn, phù hợp các ngôi nhà cơ bản, khách hàng dễ tính, có mức chi phí vừa phải. (cũng có đồ nhập khẩu thì chất lượng cao, giá thành cao tuy nhiên vấn đề nguồn gốc thực sự của hàng lại là dấu hỏi lớn; các shop thì hay quảng cáo là đồ Âu Châu nhưng phần lớn lại là châu khác, cụ thể là Châu Quảng, hihi)
    Nhược điểm đồ mua sẵn: Chất lượng là câu hỏi lớn, thường mức độ chất lượng vừa phải hoặc thấp (trừ các shop lớn uy tín thì giá lại cao hẳn), kích thước SX chung nên đôi khi không thật vừa vặn không gian cụ thể của gia chủ, kiểu  cách thì không thay đổi được các chi tiết nhỏ nếu khách không ưng 1 chi tiết nhỏ nào đó dù tổng thể thấy ok.
    Ưu điểm đồ đặt xưởng: Chất lượng thường cao hơn, nguồn gốc vật tư rõ ràng theo lựa chọn (gỗ gì, phụ kiện gì..). SX kiểu đặt hàng may-đo nên vừa vặn không gian, cá nhân hóa theo nhu cầu khách hàng (ví dụ hình thể hơi nhỏ nên đặt kích thước mặt tủ thấp 1 chút)
    Nhược điểm đồ đặt xưởng: Phải chờ lâu, giá thành SX đơn chiếc không SX hàng loạt được nên giá cao hơn chút. Phải lựa chọn đúng xưởng uy tín; khách hàng phải biết cơ bản hoặc có bên tư vấn chi tiết để ra “đề bài” với xưởng qua bản vẽ chi tiết, hợp đồng trên giấy với các điều khoản cam kết về vật liệu, về bảo hành, về tiến độ.. (tránh nói miệng, nhắn tin..)
    Lời khuyên chung từ thực tế làm nghề: Cần bản hợp đồng cho các công việc dù là việc khá nhỏ.
    Giao dịch mua bán đồ mộc nội thất cũng cần được thực hiện qua hợp đồng kỹ lưỡng, khoa học, tránh các giao dịch kiểu đơn giản nói miệng, gạch đầu dòng đơn sơ,…. Nếu không bằng hợp đồng văn bản thì cũng cần các dạng thức khác ví dụ email,… nhưng tốt nhất cần một văn bản được soạn thảo khoa học. Đã có nhiều vấn đề trên thực tế xảy ra, ví dụ như làm tủ bếp thì đục lỗ thoát hơi hút mùi bên mộc từ chối làm, hoặc đòi thêm tiền coi như vấn đề phát sinh; làm cầu thang thì chỗ khúc quanh cầu thang bên nhà thầu tính khối lượng rồi nhân đôi vì công việc khó khăn phức tạp.
    Nếu soạn thảo một hợp đồng có thể là vấn đề không quen, gây chút khó khăn cho quý vị thì xin liên hệ với chúng tôi để nhận được hỗ trợ.
Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *