Chống thấm nhà cũ

Chống thấm nhà đang sử dụng là công việc khó về kỹ thuật, khó về tổ chức thi công và tốn kém đồng thời gây bất tiện cho gia chủ. Tuy nhiên trong thực tế nhiều ngôi nhà không được đầu tư nghiêm túc cho chống thấm từ khi xây dựng nên vẫn xảy ra thấm dột và buộc phải tiến hành xử lý.

Thông tin, kiến thức chung về thấm dột trong nhà ở gia đình, nguyên tắc chống thấm, các chất chống thấm,.. xin mời quý gia chủ xem tại bài viết Chống thấm khi xây mới tại link này: Link

Nhìn chung hiện tượng thấm nhà xảy ra do hai trường hợp: Trường hợp 1 là thấm qua bê tông / gạch mà không thể xác định rõ vị trí nước vào gây thấm, chỉ xác định vùng bị thấm (thường do chất lượng kết cấu không tốt) và Trường hợp 2 là nước thấm do các vết nứt, khe kẽ do các kết cấu bị tách nhau ra (hay gặp là vết nứt giữa bê tông và gạch xây).
1. Các khu vực thường xảy ra thấm
– Sân thượng, máng nước, sê nô, ... nói chung là các bề mặt nằm ngang có tiếp xúc nước mưa. Có hai hiện tượng là thấm qua bê tông và thấm tại chỗ thu gom nước về ống thoát. Chúng ta phải tìm nguyên nhân đích xác để đưa ra cách chống thấm nhưng với các ngôi nhà cũ thì nói chung vẫn phải lột bỏ hết các lớp vật tư hiện hữu, làm sạch sẽ bề mặt sàn cũ để tìm nguyên nhân rồi xử lý. Đây là việc làm rất khó khăn, đôi khi không thực hiện được thật tốt nếu quá trình thấm đã lâu, bê tông đã bị ảnh hưởng chất lượng.
– Tường giáp ranh hàng xóm: Nếu xảy thấm thì ảnh hưởng cả hai nhà. Trường hợp mái hai căn cao như nhau thì khá dễ xử lý, thường là bằng cách làm một mũ chụp bằng tôn, inox để chụp lên cả hai đỉnh tưởng hai nhà. Nếu mái nhà này chỉ cao ngang tường nhà khác thì buộc phải xử lý. Tốt nhất là cắt vài cm vào tường (cắt lớp vữa trát) nhà cao hơn rồi dùng tôn, inox gắn vào, trát vữa tốt, trám keo silicon. Nếu không được phép đục vào tường thì sẽ chỉ áp sát tấm tôn, inox vào tường, dùng đinh ghim khoảng cách ghim gần nhau rồi dán silicon trên đỉnh chỗ ghép mý. Gần đây có giải pháp bổ sung là băng keo bạc dán thêm lên mép chỗ ghép nối tường và tấm tôn/inox, che thêm lớp silicon sẽ có tác dụng chống nước xâm nhập trực tiếp bởi băng keo cũng như bảo vệ cho lớp silicon bền hơn.
– Sàn nhà vệ sinh: Cũng tương tự sân thượng, thấm sàn vệ sinh cũng có thể là thấm qua bê tông hoặc thấm ngay tại vị trí thu nước để chuyển vào ống thoát hoặc thậm chí hai vấn đề đó vẫn tốt thì có thể là nước thấm từ bề mặt đang đọng thành ao / hồ nước, dâng lên đến chân tường (thường xảy ra với các khu vệ sinh được hạ cốt sàn). Tùy nguyên nhân mà xác định chống thấm cách nào. Về cơ bản, việc chống thấm cho sàn vệ sinh cũng phải bỏ hết lớp bề mặt cũ, làm lộ ra lớp bê tông sàn gốc, rồi tẩy sạch sẽ bề mặt để chống thấm lại ngay từ đầu. Tuy nhiên nếu nguyên nhân thấm nước chỉ là do bong tróc các mạch vữa giữa các viên gạch (bê tông vẫn chưa bị thấm) thì cũng có thể có giải pháp đơn giản hơn là chỉ cần xẻ các rãnh giữa các viên gạch, chét keo chà ron mới vào cũng sẽ khắc phục được. Khi đó nước không lọt xuống bên dưới gạch lót, không thấm sang tường xung quanh gây ẩm chân tường xung quanh.
Về cơ bản, giải pháp chống thấm sàn nhà vệ sinh phải giải quyết được hai nội dung:
* Rất hạn chế để nước lọt từ trên mặt gạch xuống bên dưới (bằng cách làm các mạch gạch thật tốt, thoát nước bề mặt sàn nhanh)
* Một khi đã để nước lọt xuống thì phải có đường thoát cho nước này, tránh nước đọng thành vũng nước lâu dần sẽ bổ sung nước dần dần gây tràn thấm bằng cách làm đường ống thu nước tại vị trí trũng nhất, cho chảy vào ống thoát chung. Có thể bọc vải địa kĩ thuật đầu ống để chỉ nước chảy qua, các vật liệu tôn nền như cát, xỉ than,… không chảy theo nước. Xin xem hình bên dưới.
Vấn đề này làm được từ khi xây nhà mới sẽ tốt hơn rất nhiều song đáng tiếc nhiều đơn vị xây dựng không chú ý, không có kinh nghiệm về việc này.
– Tường và sàn tầng hầm, hố pit thang máy: Khác với chống thấm từ khi XD mới thì ta buộc phải chống thấm theo cách chống thấm ngược, hiệu quả đạt được cũng hạn chế hơn.
Với các chỗ thấm loang, không xác định nguồn gây thấm thì các phương pháp màng quét, dán màng khò có thể được áp dụng.
Với các công trình biết rõ điểm thấm nước thì dùng thanh trương nở, cụ thể là đục loang vết thấm rộng ra rồi đục thành khe rãnh, nhét thanh trương nở vào rồi trám bề ngoài. Thanh trương nở sẽ dần nở ra bịt kín đường nước vào.
– Chân tường sàn tầng 1 (tầng trệt): Có thể đục hết lớp vừa tô trát ra đến tận tường gạch rồi tô trát lại bằng vữa tốt, tiến hành chống thấm bề ngoài lớp tô trát bằng vật liệu dạng quét hoặc màng khò rồi sơn phủ lại bên ngoài. Tuy nhiên cần tìm nguyên nhân để xử lý thì sẽ tốt hơn. Thường các nguyên nhân là thấm từ sàn vệ sinh, thấm từ nền đất khu vực,…. Nhiều khi việc chống không hiệu quả bằng việc thay thế vật liệu khác, ví dụ ốp gạch từ sàn lên cao.
– Chống thấm các vị trí đã xác định nước vào qua các khe nứt: Nếu phần kết cấu khác vẫn đảm bảo độ chống thấm cao, nước chỉ xâm nhập qua khe nứt vào gây thấm thì trường hợp này xử lý khá dễ và nhanh, bằng cách đục to khe nứt (rộng 1-2cm sâu ~1-2cm đã được làm sạch rồi sử dụng các loại keo chống thấm ví dụ Sika Flex Construction để trám vào rồi sau đó dùng các loại cuộn keo bitum (keo nhựa đường, bản rộng 7.5cm hoặc 10cm hoặc rộng hơn) ví dụ Sika Multiseal, để dán lên bề mặt (hai bên mép đã được làm sạch bằng chổi gắn vào máy quay để cuộn keo bám dính tốt vào kết cấu). Sau đó nếu cẩn thận hơn thì có thể đổ thêm lớp xi măng cát lên trên hoặc che bằng gạch, tấm đá, tôn… bảo vệ cuộn keo khỏi ánh nắng. Với các vật liệu tốt và quá trình thi công chuẩn mực như vậy thì việc bảo vệ chống thấm cũng có hiệu quả tối thiểu 7-8 năm. Xin mời quý vị xem hình minh họa bên dưới.

Chống thấm bằng màng keo chịu giãn nở
Khi thi công chú ý đọc kỹ hướng dẫn của các nhà SX vật liệu và tuân thủ nhằm đạt hiệu quả chống thấm cao.

Giải pháp ngăn nước vào, xử lý triệt để: Một số trường hợp việc chống thấm như trên là khá khó khăn và hiệu quả chưa chắc đã rõ ràng thì giải pháp thay thế để ngăn nước vào khu vực có thể bị thấm là tốt hơn, ví dụ chống thấm sàn, sân thượng bằng cách làm mái tôn, mái nhựa thông minh che phủ; chống thấm tường bằng cách ốp thêm tấm nhựa, tấm tôn,….

Sàn có đà dầm nổi tạo thành hai vùng chứa nước gây thấm.

Như hình bên trên, sàn mái không được xử lý tốt, nước xâm nhập qua các lớp gạch xuống bên dưới. Do có đà / dầm bê tông xung quanh nên vô tình tạo thành vũng nước, khi nước tràn thêm sẽ gây thấm xung quanh vùng mặt trên đà / dầm . Giải pháp triệt để là chống thấm lại bề mặt sàn bê tông, làm thêm một ống thoát đục các lỗ nhỏ, bọc vải địa kỹ thuật để thoát nước nếu nước còn lọt xuống, tránh tạo thành vũng nước.

****
Như đã trình bày trên, việc chống thấm công trình đang ở là rất khó khăn phức tạp và cần nghiên cứu kỹ thực tế công trình, làm các thử nghiệm để xác định nguồn gây thấm rồi mới nghiên cứu đề ra phương án cho phù hợp.
Quý vị có thể gửi hình ảnh, mô tả để chúng tôi giúp đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *