Phần cấp và thoát nước

Phần cấp và thoát nước đã được trình bày khá kỹ trong web nhưng chúng tôi xin cung cấp thêm một số nội dung hữu ích từ kinh nghiệm hoạt động nghề lâu năm:

1.Nội dung chung

  • Hệ thống cấp thoát nước tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất đòi hỏi tay nghề thợ khá cao, thợ “non” sẽ gây rắc rối sau này trong quá trình sử dụng.
  • Thiết bị cấp nước như van vòi, sen tắm, vòi nước nối… làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, thường xuyên sử dụng nên phải sử dụng loại tốt, chính hãng. Các hư hỏng phần này đều gây bực mình, bất tiện khi sử dụng và sửa chữa khá tốn kém.
  • Các đường ống, ống nối cũng nên sử dụng loại tốt, chọn thợ có tay nghề đảm bảo thi công. Việc rò rỉ nước tại các mối nối gây thấm tường; tắc nghẽn hệ thống thoát nước, … rất hay xảy ra nếu tay nghề người thợ không tốt, vật tư không tốt.
  • Cần tiến hành thử áp suất tương đương hoặc lớn hơn mức áp suất sau khi sử dụng thật sự sau này (thường là 150% áp lực tính toán). Việc thử áp suất cần tiến hành sau khi hoàn thành lắp đặt, trước khi xây dựng hộp kỹ thuật bao che (hộp gen). Tuy không thường xảy ra nhưng đôi khi các hệ thống cấp nước vẫn có thể bị xì ra tại các mối nối do việc nối không tốt, tại các thân van vòi do lỗi sản xuất. Các lỗi này nếu không được phát hiện sẽ gây ẩm sau này xử lý rất vất vả, tốn kém.
    Thử thế nào? Việc thử áp lực là việc chuyên môn của bên thí nghiệm, của nhà thầu nhưng trình bày ngắn gọn là: Bịt tất cả các đầu ra của hệ thống, đảm bảo thoát hết không khí tại các chỗ ống hướng lên trên bằng cách để nước chảy rồi mới bịt ống; lắp 1 đồng hồ đo áp lực; tiến hành bơm nước áp suất 150% áp lực thiết kế rồi bịt lại; theo dõi xem mức độ giảm áp trên đồng hồ theo các bước thời gian cho đến 120 phút. Nếu áp lực giảm quá 2% là chưa đạt.

2. Phần cấp nước

  • Thiết kế đường ống nước ra cổng để rửa xe, tưới cây tại cổng (mặt tiền). Tuy nhiên cần làm hai van khóa (1 ở ngoài đường và 1 trong nhà) tránh trường hợp 1van ngoài đường người vô ý thức vặn ra chảy hết nước và bất tiện khi cần sửa chữa. (cũng nên làm nguồn điện nữa để cắm máy bơm, máy xịt áp lực,..)
  • Làm sẵn 1 trục nước từ trên mái sau này lắp hệ thống nước nóng mặt trời thì sẵn sàng từ đây cấp xuống.
  • Đường ống cấp nước chỉ nên đi ngang và đứng, không nên đi chéo (giống cấp điện).
  • Cấp nước nóng cho phòng tắm nếu dùng năng lượng mặt trời thì nên dẫn bằng các ống không lớn để khi mở nước nóng nhanh có nước về, tránh hao phí quá nhiều nước lạnh trước khi nước nóng tới. Trục từ mái xuống nên dùng tối đa ống D32 các ống nhánh dùng nhỏ hơn là D25 hoặc D20.
  • Nghiên cứu cấp nước cho đủ các khu vực như sân, vườn, cổng, khu tiểu cảnh trong nhà, sân thượng…. nếu có.
  • Có nhiều gia đình bị chuột cắn ống nước cấp, nước thoát nên cần chú ý ngăn chuột có thể xâm nhập hộp kỹ thuật.
  • Phao điện tự động, phao cơ nên dùng loại tốt nhất vì nếu nó hư hoặc nếu không an toàn điện thì rất rắc rối. Đặt các mức phao tự động để đến ngưỡng nào đó nó đóng / cắt cần nghiên cứu cẩn thận. Tránh hiện tượng đáy hút (chõ van một chiều) của máy bơm quá cao, hút hở đáy mà chưa cạn bể, van phao chưa cắt điện; hoặc ngược lại, van phao để sai đầy bể chưa ngắt điện, chưa ngắt nước (với van cơ chặn nước từ ngoài vào). Không nên đấu phao điện trực tiếp vào điện 220V mà nên dùng Rơ le (relay) điện tử, để dòng điện chạy vào phao điện lúc này chỉ là 6-12-24V (tùy loại rơ le) nên rất an toàn. Đã có nhiều tai nạn chết người đáng tiếc khi dùng điện 220V vào phao điện bể inox mái. (xin xem kỹ hơn tại bài viết Thiết kế, thi công hệ thống điện an toàn)
  • Chú ý bố trí hộp đựng giấy nhà vệ sinh so với vồi tắm sen để tránh bị ướt.
  • Với các căn hộ chung cư, thường các tầng thấp sẽ được lắp đặt van giảm áp để giảm bớt áp lực nước từ bể mái tòa nhà. Tuy nhiên có thể có các tầng vẫn có áp lực nước quá mạnh, nhanh gây hư hỏng các đường ống, mối nối. Trong trường hợp đố quý gia chủ nên lắp thêm các van giảm áp nhỏ (chữ T, các nhãn hàng Toto, Inax, … đều có sản xuất) với mức giá 1-2 trăm ngàn đồng sẽ tốt hơn cho các thiết bị sử dụng nước. 
  • Vòi nước nóng an toàn: Hiện trên thị trường có loại vòi nước nóng an toàn mà chỉ ra một nhiệt độ tối đa theo ý chủ nhân đặt (ví dụ 35 độ) nên rất an toàn cho em bé và người già, loại trừ nguy cơ bị bỏng nước nóng.
  • Sử dụng bồn tắm dạng thuyền trong gia đình (bathtub) :  Khi ta đi nghỉ dưỡng / công tác mà ở tại các resort hay khách sạn việc sử dụng các bồn tắm mang lại cho ta rất nhiều thích thú. Tuy nhiên từ kinh nghiệm khảo sát thực tế chúng tôi thấy rằng ở quy mô gia đình thì các bồn tắm không được sử dụng thường xuyên. Nguyên nhân có thể vì quá tốn nước, tốn điện làm nóng nước, vì sự bận bịu đời thường,…. Nên quý gia chủ nên cân nhắc lắp đặt hạng mục này, không nên lắp đặt bồn tắm cho tất cả các khu WC, có thể chỉ nên lắp tại các phòng chính yếu mà thôi.

3. Thoát nước

  • Thoát nước bẩn chia làm hai loại ống là (1) ống nước thu sàn các vệ sinh, nước chậu rửa mặt và thu nước bếp riêng rẽ với (2) nước và chất bẩn tại bồn cầu. Nên dùng ống có đường kính to hơn tính toán vì các chất thải nhiều khi rất đa dạng.
  • Hệ thoát nước bẩn (1) có thể đổ thẳng ra hệ thống thành phố.
  • Các khu vệ sinh hạ cốt đổ xỉ than (hay vật chất nhẹ khác) vẫn phải có đường thoát cho đáy hạ cốt phòng khi nước thấm vào thì sẽ thoát được.Vẫn làm dạng phễu thu, rốn thu. Cốt bê tông nên đánh dốc mạnh. Nếu không thì nươc sẽ đọng thành vũng nước bên trong rồi sau đó sẽ tràn ra xung quanh gây thấm dột. Tốt nhất là không làm kiểu ống chạy phía trên mặt sàn bê tông mà ống nước thoát từ lavabo, bồn cầu chạy xuyên ngay qua sàn rồi đi ngang bên dưới sàn bê tông, làm trần phụ che đi và việc chống thấm dễ dàng, sau này sửa chữa ống cũng đơn giản. Độ dốc ống phải lớn >5%.
  • Làm hố gas trước khi đổ ra hệ thống nước thải thành phố. Đường ống thoát cần lắp cút 90 và ngập trong nước gas để tránh mùi hôi xông ngược.
  • Nên lắp 1 tiểu nam trong WC tầng 1 để tiết kiệm nước nếu gia đình có nhiều nam giới.
  • Các khu vệ sinh làm hai khu ướt / khô ngăn cách bằng tấm kính thì nên để hai miệng thu nước riêng. Sàn khu tắm kính nên hạ thấp hơn sàn ngoài vài cm. Mặt ga thu hạ thấp ~1cm so với mặt chung để nước nhanh dồn vào.
  • Độ dốc các khu thoát nước phải tốt để nước dồn nhanh, tốc độ dòng chảy nhanh cuốn theo các chất bẩn.
  • Tất cả các miệng thu nước sàn vệ sinh cần có ống cong con thỏ / cổ ngỗng bên dưới để ngăn mùi hôi xông ngược. Hiện trên thị trường có một số loại phễu thu có chức năng này tốt hơn các loại thông thường sử dụng màng nước mỏng dễ bị bay hơi và mất chức năng cản mùi.
  • Tại các vị trí đã xác định đặt máy giặt, cần làm một ống thoát nước từ máy giặt riêng, tránh máy giặt xả tràn nền rồi vào phễu thu nước rất bất tiện.
  • Hiện máy lạnh kiểu máy đứng, công suất lớn (thường trên 24.000 BTU) bố trí góc phòng rất tiện và mỹ quan lại dễ sửa chữa, bảo trì nên khá phổ biến, không yêu cầu làm trần thạch cao. Do đó nếu gia chủ dự tính / dự phòng sử dụng loại này thì nên đặt sẵn ống nước ngưng tụ để thoát ra ngoài.
  • Với các không gian có thể làm thương mại thì cũng tính toán chôn sẵn một ống PVC dưới sàn khu vực thích hợp để làm nơi thoát nước dự phòng sau này kinh doanh các mặt hàng, sàn phẩm gì đó cần rửa và thoát nước (ví dụ ăn uống, để đồ đông lạnh tươi sống…)

4. Khu bếp

  • Mặt chậu rửa cần đặt thấp hơn mặt đá (khoét bậc mặt đá, khi đặt chậu vào thì mặt chậu thấp hơn mặt đá).
  • Có lưới chống chuột, côn trùng ở các đầu xả ống quạt hút, thông gió,…
  • Quạt hút mùi bếp cần công suất mạnh, bền nếu có lớp than hoạt tính thì tốt chứ thực ra không cần thiết lắm. Lưu ý vùng xả khí hút nên cuối hướng gió, nhưng tránh ảnh hưởng hàng xóm.
  • Bên dưới tủ bếp thường có các thiết bị sử dụng điện như máy lọc nước, bếp, … nên cần bố trí nguồn điện bên dưới tủ bếp.
  • Tiết kiệm nước – Bảo vệ môi trường: Thực tế sử dụng chậu rửa bếp rất nhiều nguồn nước sạch không có xà phòng, nước rửa chén,… như nước rửa rau, vo gạo,.. >> nghiên cứu làm 1 đường ống nối dẫn nước không có xà phòng này dẫn ra khu trồng cây để tiết kiệm nước.
  • Trên mặt bếp có nhiều thiết bị dùng điện nên cần bố trí nhiều ổ cắm điện ở nhiều vị trí, trong đó có bếp từ, nồi cơm điện, ấm điện thường có công suất lớn nên dây dẫn cho khu bếp phải lớn.
  • Nên có các đèn neon / led dạng dải chiếu sáng khu chậu rửa. Nên gắn phía dưới của khối trên tủ bếp khu rửa, công tắc ngược lên trên thì không bị nước xâm nhập vào dù tay ướt bật tắt nút.

5. Dự phòng tắc nghẽn nước mưa trên sân thượng:
Các sàn sân thượng có lượng mưa khá lớn, đây là nước sạch và ống dẫn nước không phát sinh mùi hôi xông ngược nên phải bố trí các quả cầu chắn rác thay vì các phễu thu nước gần giống trong nhà vệ sinh vì phễu thu này năng lực tiêu thoát nước không cao. 
Cần bố trí các lối thoát dự phòng khi đường thoát chính bị tắc nghẽn (rất hay xảy ra do lá cây, rác,..), khi đó nước có nguy cơ tràn vào các phòng tiếp giáp sân thượng (nếu chênh lệch cao độ ít) rồi tràn tiếp theo cầu thang xuống các tầng dưới gây hỏng sàn gỗ, hỏng đồ đạc,.. Hiện tượng này thực tế không hiếm xảy ra.
Lối thoát dự phòng này thường có đáy cao hơn mặt sàn khu thoát khoảng ~10-15cm (tùy chênh cốt tại cửa ra sân thượng với cốt tại chỗ thoát). Lối thoát dự phòng này nên có dạng hình chữ nhật với chiều ngang khoảng 15cm, cao 10cm hoặc lớn hơn).
Chức năng tương đương với quả cầu chắn rác nhưng ứng dụng cho các sân thượng, ban công, lô gia,… là cái thoát sàn dạng vồng lên (mời xem hình)  không phải phẳng như thoát sàn trong phòng tắm. Loại này có tính thẩm mỹ cao hơn, tác dụng thoát tốt hơn thoát sàn phòng tắm, khó bị nghẽn do các loại rác nhỏ bịt kín.
6. Thấm tường do bố trí sai hướng thoát: Cũng tại phần thoát nước sân thượng, do muốn giảm chiều dài ống ngang dẫn nước mưa từ miệng thu về trục đứng thoát nước trong hộp kỹ thuật nên nhiều bên thiết kế hướng dốc sân thượng dốc dần về phía trong nhà thay vì nên đánh dốc ra phía trước nhà (mời xem hình minh họa) . Nếu dốc về phía trong nhà,  khi mưa to nước không chảy kịp sẽ dâng lên tràn vào bên trong, nhẹ hơn là nước tạm thời dâng nên gây thấm tường, thấm vào bên trong. Hiện tượng nước không chảy kịp do mưa quá lớn, do tắc nghẽn lá cây, rêu,… làm giảm năng lực thoát nước khiến nước dâng lên tại khu vực miệng thu là thường xảy ra. (nếu chống thấm luôn tường thêm chiều cao 20cm thì còn đỡ, nhưng lâu dài vẫn thường xuất hiện khe nứt chân tường chỗ tiếp giáp bê tông sàn và gạch xây). Hướng thiết kế đúng là đánh dốc ngược ra phía trước, xa tường nhà, cửa nhà và xử lý cửa thoát dự phòng khi bị tắc nghẽn như mục 4. phía trên.

7. Vật liệu làm máng nước mái, tấm che chắn mái
Các máng nước mái, các tấm che chắn mái nên làm bằng inox SU304 thì sẽ rất bền tốt. Hiện do tình trạng ô nhiễm môi trường nên hàm lượng axit trong nước mưa ngày càng cao, nếu các vật liệu thông thường như tôn mạ, tôn thường sẽ rất nhanh gỉ sét phải thay thế.
Làm máng bằng xây gạch, bê tông rồi chống thấm cũng tốt nhưng chú ý chất lượng vật tư tốt, sạch và độ dốc đảm bảo.

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *