Nghiệm thu căn hộ từ chủ đầu tư

Xin chúc mừng quý vị sắp có một căn hộ mới.
Tuy nhiên đối với đa số khách hàng không làm trong ngành xây dựng thì sẽ bối rối và có phần lo lắng khi đi nhận nhà căn hộ được bàn giao từ chủ đầu tư. Để giúp mọi người vượt qua việc này, web Tuvanxaynha.com.vn sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho quý vị như sau:
I. Kiểm tra phần chung của tòa nhà
1.Về Phòng chống cháy nổ:
Đề nghị chủ đầu tư cho biết tòa nhà đã được nghiệm thu về PCCC đủ điều kiện đưa cư dân vào ở chưa? Khảo sát về vị trí đường thoát hiểm từ căn hộ nhà mình, các chỗ để vòi phun nước; bình bọt chữa cháy, bảng nút nhấn (có thể nhấn thử  nút nếu kỹ thuật viên tòa nhà đồng ý)…
Đề nghị sơ đồ bản vẽ các đầu cảm biến báo cháy trong và ngoài căn hộ, kiểm tra xem vị trí lắp đặt đúng chưa? Hỏi kỹ thuật viên về sự sẵn sàng hoạt động của chúng?
2. Về thang máy:
Bao quát chung: Nhãn hiệu thang máy, tải trọng thang máy, đâu là thang máy chở hàng, đâu là thang khách; thang đã được dán tem kiểm định trong cabin chưa?
Về kỹ thuật: Thang đóng mở có nhẹ nhàng, cánh đóng có kín khít không; sàn thang khi dừng có bị chênh lệch với sàn hành lang bên ngoài không; thang có mành tia hồng ngoại tránh đóng sập khi vật cản không (thang đang đóng, ta đưa vật gì thử cản. Nếu có hệ thống thì tia hồng ngoại phát từ khe cánh này sang khe cánh kia bị cản khi đó thang máy hiểu là có vật cản và nó sẽ mở lại chứ không đóng nữa); thử nút chuông bấm trong thang đã hoạt động chưa; thử quẹt thẻ từ xem hoạt động chưa; có thể thử bút điện xem vách thang có bị nhiễm điện không; màn hình báo tầng có hoạt động tốt không; quạt thông gió và ánh sáng trong thang có tốt không…
3. Hệ thống camera: Kiểm tra, ghi nhớ các vị trí có camera giám sát, nếu có các “góc chết” ngoài tầm quan sát thì có thể ý kiến với chủ đầu tư.
4. Về hầm, đường xung quanh, cảnh quan,…: Tự tham quan và ghi nhận các nội dung để phản ánh với Chủ đầu tư nếu cần thiết.

II. Kiểm tra phần riêng căn hộ.
1. Chuẩn bị: Bản vẽ khổ lớn mặt bằng căn hộ từ hợp đồng hoặc đề nghị Chủ đầu tư gửi file điện tử để in ra (khổ A3 hoặc A2); tập hợp đồng có mô tả căn hộ; thước rút 5m; giấy bút; đèn pin; thước thẳng dài tối thiểu 2m;
2. Các công việc cần thực hiện:
– Đo đạc, kiểm tra các thông số bản vẽ với thực tế: Đo đạc các không gian, so sánh bản vẽ và thực tế; tính tổng diện tích so sánh với cách tính trong hợp đồng.
– Kiểm tra sàn gỗ: Yêu cầu ghi rõ chủng loại, xuất xứ của sản phẩm lắp đặt, cung cấp các thông số kỹ thuật, đặc tính của vật liệu, giấy bảo hành và thời hạn bảo hành. Kiểm tra kỹ về:
* Màu sắc: đều màu, kiểm tra lớp phủ vân bề mặt, nếu xước, lỗi bắt thay.
* Kiểm tra độ phẳng của sàn bằng thước nhôm, kết hợp đèn pin như kiểm tra tường, nếu không phẳng, yêu cầu sửa lại.
* Kiểm tra các khe hở giữa 2 tấm gỗ, nếu hở lớn, yêu cầu sửa lại.
* Kiểm tra toàn bộ mặt sàn xem có chỗ nào phồng, rộp không (chú ý các góc nhà, cạnh tường và cửa toilet), nếu có lỗi, yêu cầu sửa.
* Đi lại trên sàn phải không có tiếng cọt kẹt, cứ đi lại và nhún trên sàn thì sẽ phát hiện ra.
* Kiểm tra nẹp chân tường: Phải đồng mầu, chỗ nối đấu đầu nẹp chân tường phải phẳng, không nhìn thấy nốt đinh trên mặt nẹp, các đoạn nối không được quá ngắn, phải > 1,5 – 2m cho mỗi đoạn, chỗ tiếp giáp giữa nẹp chận tường và sàn gỗ không được hở khe theo mặt bằng và mặt đứng. Nếu hở mặt bằng tức là sàn gỗ bị hụt, hở mặt đứng là nẹp chân tường bị lẹm hoặc cong.
* Kiểm tra kỹ sàn gỗ có bị thấm nước trước đó hay không, có dấu hiệu ẩm mốc không?
– Kiểm tra phần gạch ốp, lát:
* Các mạch ốp phải thẳng, đều và sắc nét. Toàn bộ bề mặt kết cấu phải làm sạch vữa, bột trát mạch và các vết bẩn ố trên bề mặt ốp lát.
* Độ phẳng của mặt ốp, lát: Dùng thước 2m đặt lên bề mặt xem có phẳng không.
* Độ đặc chắc và bám dính của nền ốp với vật liệu ốp lát gõ vào bề mặt gạch ốp xem tiếng kêu bộp bộp là chưa tốt, rỗng bên trong.
* Độ đồng đều của của mặt ốp về màu sắc, hoa văn có đều, ăn khớp nhau, các mạch ốp, chi tiết trang trí có khớp không, các mạch gạch phải được đầy và cùng màu sàn gạch. Tổng thể mặt ốp lát phải đảm bảo đúng hình dáng, kích thước hình học theo yêu cầu của thiết kế.
* Trên mặt ốp lát không được có vết nứt, vết ố do vữa, sơn, vôi hoặc do các loại hoá chất gây ra. Khi kiểm tra bằng thước dài 2m đặt áp sát vào mặt ốp, khe hở giữa thước và mặt ốp không quá 2mm.
Kiểm tra tường, trần:
* Tổng quan: Nhìn màu sơn phải đồng đều, không loang lổ, không vết nứt. (Lưu ý các chỗ quanh công tắc, miệng điều hòa, quạt gió là hay lỗi nhất).
*Kiểm tra độ phẳng của tường: dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa thước và tường, tắt đèn và dùng đèn pin soi ngược lại xem ánh sáng lọt ngược lại. Kiểm tra đặc biệt ở cao độ khoảng 1,5m đến 1,8m (chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo) là hay bị lỗi nhất.
– Kiểm tra cửa gỗ, cửa nhôm kính, cửa kính bếp:
* Màu đều, không lệch màu giữa các cửa và trong cùng một bộ cửa, kể cả khuôn cửa và nẹp cửa. Không bị cháy đen tại các góc có nẹp trang trí.
* Hoàn thiện: Nhẵn mịn, không bị thô ráp, không bọt khí trên bề mặt (kiểm tra bằng cách dùng tay mà xoa lên mặt gỗ). Phải nhìn thấy vân gỗ: Có nhiều cánh khi phun bị cháy mầu, thợ sẽ đè mầu mất vân gỗ như sơn bệt. Cánh lắp phải thẳng: Kiểm tra bằng cách mở cửa ra khoảng 45 độ, thấy cánh không tự đóng hay tự mở. Kiểm tra bản lề, phải sạch sẽ, không dính sơn PU (sơn gỗ), các đầu vít không bị toét, bản lề không bị xước. Bản lề phải đục chìm vào trong khuôn, không lắp nổi trên mặt khuôn.
* Kiểm tra khóa cửa: Đóng cánh cửa, khóa phải dễ không bị kẹt. Thử tất cả các khoá không bị xiết, đút chìa rút chìa nhẹ nhàng. Sau khi đóng cửa cầm tay khóa, giật và đẩy nhẹ, nếu cánh bị lắc tức là đục khóa sai. Cánh cửa khi khóa có độ chặt vừa phải, cánh đục sai sẽ gây tiếng ốn nếu gió từ ban công vào.
* Kiểm tra kích thước: Cánh cửa cách sàn tối đa 5mm, cách khuôn cửa tối đa 2mm, nhưng cũng không được sát quá không là bị xệ, chạm đất và chạm khuôn.
* Kiểm tra nẹp cửa, các chỗ ghép nối khuôn cửa, cánh cửa đã kín khít chưa, đảm bảo mỹ quan không, có bị xước, cong vênh không,…
* Kiểm tra các chi tiết kim loại như bản lề, tay khóa, lan can: xem có bị gỉ sét, ố màu không.
* Kiểm tra số lượng chìa cho mỗi khóa, thử từng chìa cho mỗi ổ khóa, lấy băng dính giấy ghi lại dán lên chìa cho dễ tìm về sau.
* Đối với cửa nhôm kính, phải không trầy xước, kéo ra nhẹ nhàng, silicon bơm mép kính và khung nhôm phải đều và bóng phẳng. Khóa cửa nhôm dùng tay giật và đẩy nhẹ, cánh không được rung lắc quá mạnh, khi kiểm tra thì kéo ra vào phải nhẹ, không kẹt, vấp và khi đóng toàn bộ nhìn khe giữa hai cánh cửa kính phải đều và cùng nằm trên mặt phẳng. Chú ý các cửa hướng ra ngoài thì cần kiểm tra đường keo giữa khung và tường xem có đều không, khung cửa đã được khoan lỗ hoặc khoét rãnh để nước mưa có thể thoát ra từ khung cửa khi rơi theo mặt kính xuống hay chưa. Nhiều khung cửa bị quên khoét thoát nước, sẽ đọng và tràn vào trong khi có áp lực gió bên ngoài.
– Kiểm tra khu vệ sinh:
Đóng hết đường thoát nước chậụ, mở vòi nước (cả nóng lạnh để kiểm tra luôn) cho gần đầy sau đó xả nước và quan sát xem có tắc nghẽn không, chảy quá chậm là có cát hoặc vật cản. Kiểm tra xi phông xung quanh có bị thấm nước không. Nhà vệ sinhh không được có mùi hôi. Quạt gió có chạy tốt không. Kiểm tra số lượng phễu thoát sàn: Nguyên tắc tắm đứng riêng, sàn riêng. Với bồn cầu cần giật nước bồn cầu và quan sát xem có bị thấm ra sàn không, mở nắp két nước ra quan sát xem van phao có hở không (vẩy một giọt mực vào trong két nước cho dễ nhìn). Các thiết bị khác như sen, vòi, xịt kiểm tra tình trạng xem có hoạt động tốt không, tắt vòi nước còn rỉ ra không.
Một số chú ý khác như cần có vòi để hứng vào chậu lấy nước lau sàn; đường cấp nước, thoát nước cho máy giặt đã sẵn sàng; mặt bàn chậu đã nhẵn, đều màu, đã được trét silicon kỹ lưỡng chưa; Với vách kính tắm đứng đóng cửa lại, mở nước ra, phun nước lên các phần gioăng cửa xem có bị hở nhiều không, kiểm tra xem nước có bắn ra ngoài không, nước trên sàn có thoát kịp không. Kiểm tra silicon có được bắn gọn đẹp hay lem nhem ra ngoài không. Kiểm tra gờ chặn nước phải cao 10 phân. Nếu không đạt, yêu cầu sửa chữa.
*Thoát sàn: Hứng lấy một xô nước đầy, ra ngoài cửa và dội vào trong sàn vệ sinh, quan sát xem nước thoát thế nào, có bị đọng ở đâu không, nếu không đọng và thoát nhanh là ổn.
Van vòi: Kiểm tra van tổng nước nóng, lạnh từ đồng hồ đo nước tại hộp kỹ thuật hành lang. Đóng mở thử để đảm bảo van tổng cắt nước tốt, không bị hở, đồng hồ có phải đúng đồng hồ đo nước nhà mình không, hay bị đánh dấu nhầm.
*Yêu cầu cho biết đồng hồ nước có được kiểm định tại các cơ quan nhà nước không? Chốt chỉ số đồng hồ nước.
– Kiểm tra Ban công, lô gia: Đo theo các kích thước yêu cầu trên bản vẽ. Phần diện tích có thể được đưa ra sau, quan trọng là chốt các số liệu kích thước đo với bên bàn giao.
– Kiểm tra máy lạnh: Chạy thử nếu đã lắp hoặc kiểm tra sơ bộ ống chờ nếu dự án chưa lắp máy. Nếu đã lắp máy thì kiểm tra điều khiển từ xa được gắn đúng chỗ chưa.
– Kiểm tra các thiết bị điện 220, điện nhẹ:
* Điện 220v: Kiểm tra sơ đồ mạch điện; tủ điện tổng có dán chỉ dẫn từng ap to mat (CB). Các công tắc on-off đèn chỉnh sửa lại để không bị gắn ngược; Các aptomat phải ở tình trạng giật xuống là tắt, kéo lên là bật. Bật tắt thử các không gian xem hoạt động tốt không. Thử các ổ điện xem có điện hết chưa. Nên kiểm tra các bề mặt kim loại bằng bút thử điện.
Ghi nhận chỉ số công tơ điện tại thời điểm nhận bàn giao.
* Điện nhẹ: Hệ thống điện thoại, internet, truyền hình cáp.. chỉ có thể kiểm tra các ổ đã đủ chưa, đầu vào có tín hiệu chưa. Thường khi các chủ hộ đăng kí dịch vụ thì mới có tín hiệu.
* Sơ đồ điện nước: Cần đề nghị chủ đầu tư bàn giao, nó rất quan trọng trong việc sửa chữa, trang bị nội thất và sử dụng căn hộ sau này.
Ghi biên bản: Quý chủ nhà hãy ghi lại tất cả các vấn đề còn tồn tại vào biên bản, ghi nhận thời gian sửa chữa để nghiệm thu lại. Chủ nhà cần nhận một bản hoặc chụp hình biên bản trước khi gửi lại biên bản cho đại diện chủ đầu tư bàn giao.
III. Kết thúc nghiệm thu:
Sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành việc sửa chữa các lỗi tồn tại, hai bên sẽ tiến hành nghiệm thu lần cuối, ký biên bản bàn giao, ghi nhận chỉ số điện nước và tiến hành bàn giao chìa khóa.
Quý chủ nhà cần:
– Nhận chìa khóa, mã khóa cửa, các điều khiển từ xa (nếu có).
– Tắt hết điện, nước, khóa cửa ban công/lô gia lại.
– Nên reset lại mã và đặt mã mới, dán niêm phong lại (yêu cầu cả hai bên ký vào). Cái này nên làm vì chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi khi nghiệm thu xong rồi nhà thầu vẫn vào và thậm chí có hiện tượng đổi, tráo, lấy cắp thiết bị.

Ad Widget

Recommended For You

About the Author: anhvu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *