Công tác bê tông, xây thô, tô trát đã được trình bày kỹ tại phần Bê tông cốt thép, Kết cấu bao che nhưng chúng tôi xin giải thích thêm một số phần nội dung:
Nhìn chung các công việc này cần sự chính xác về hình học, tính chất phẳng, sự sắc nét trong các sản phẩm. Để làm được điều đó thì với các dụng cụ thô sơ truyền thống thì khó khăn, do đó chủ nhà cần yêu cầu nhà thầu thực hiện cơ giới hóa các việc đong đếm, trộn vữa và ứng dụng thiết bị hiện đại trong xây dựng ngôi nhà ví dụ như các thiết bị quang học như máy toàn đạc, máy thủy bình, các thước điện tử, đèn laser,… để sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
Công tác bê tông
- Nên mua bê tông thương phẩm vì chất lượng yên tâm hơn mà giá thành không cao hơn nhiều (khoảng 10%). Song cũng cần chú ý mấy nội dung
- Kiểm soát thời gian xe rời trạm đến công trường: Vì nhiều lý do như khoảng cách, tắc nghẽn giao thông,.. mà đôi khi xe bê tông đến công trường trễ. Nếu căn cứ thời gian xuất xưởng đến công trường quá 2 tiếng sẽ không chấp nhận (phải thỏa thuận trong hợp đồng). Có một số trạm có quay camera online để chủ đầu tư theo dõi giờ xe rời trạm. Có trường hợp xe bê tông đã bị không chấp nhận, quay về xong sẽ tìm cách thêm nước, trộn lại rồi quay lại công trường nên việc giám sát là rất quan trọng.
- Thùng bê tông phải được quay trộn liên tục: Đúng tiêu chuẩn thì thùng xe phải được quay liên tục, xong một số tài xế sẽ tiết kiệm nhiên liệu bằng cách tắt thùng quay (hic). Đây là vấn đề khó xử lý ngay cả với các dự án lớn.
- Nếu sử dụng bơm bê tông: Thì quý gia chủ cần chú ý thông báo nhà thầu, giám sát tính toán khối lượng bê tông trong ống đọng lại, một số vật liệu như cát vàng dẫn đầu khi bắt đầu bơm >> để tính toán khối lượng và kiểm soát chất lượng bê tông từ vòi bơm, ban đầu sẽ ra các chất dẫn có thể không sạch. Hãy chờ đến khi bê tông ra đều hãy đổ vào kết cấu.
Phần xây gạch
- Không xây gạch lỗ có lỗ quay ra ngoài dễ bị thấm, gạch cần được làm ẩm trước khi xây. Trước khi tô trát cũng cần làm ẩm tường. Xây thì có thể xây cát đen mịn, trộn thêm cát hạt thô; tô trát phải cát mịn được sàng kỹ loại bỏ các chất bẩn.
- Kích thước viên gạch hiện rất đa dạng, nhiều loại gạch chỉ có bề ngang 8cm nên khi xây thành tường rất mỏng, yếu tường. Quý vị chủ nhà cần lưu ý làm rõ với nhà thầu, nhà cung cấp vật tư.
- Tất cả các ô cửa sổ, cửa đi, cửa thông gió dù rộng hay hẹp đều phải làm lanh tô bê tông đỡ. Lanh tô dày tối thiểu 10cm-12cm (tùy độ dài ngang cửa) dài vượt quá mép cửa mỗi bên 20cm, liên kết giữa cột bê tông và khối xây bằng các thanh thép đặt sẵn khi đổ bê tông hoặc khoan bổ sung hoặc dùng các thanh liên kết bán sẵn thị trường (nội dung này đã trình bày trong web nhưng xin nhắc lại)
- Khi xây tường móng nhà, xác định mức cao độ sàn sẽ phải nằm trong đất ẩm để sau khi kết thúc cao độ này thì sẽ đổ một lớp bê tông, (đặt hai sợi thép nhỏ d8-d10 bên trong), dày 10cm chạy xung quanh tất cả các bức tường. Thường cao độ lớp bê tông này ngang vị trí cao độ sàn tầng 1 (tầng trệt). Tác dụng lớp bê tông này là ngăn việc dẫn ẩm từ dưới đất lên. Sau đó phải dùng vữa tốt để tô trát. Nếu không làm lớp bê tông này nguy cơ cao sau này lớp tường khoảng 0,5m trở xuống sẽ bị bong tróc lớp sơn sẽ rất khó xử lý triệt để. Xung quanh các bức tường khu vệ sinh nơi có nguồn ẩm cao cũng nên làm vậy.
- Hiện nay gạch không nung, gạch công nghệ tấm lớn,… đang được khuyến khích sử dụng vì lý do bảo vệ môi trường. Tuy nhiên từ góc nhìn người làm nghề, chúng tôi nhận định các sản phẩm đó vẫn có nhiều bất cập, ví dụ dễ nứt, gây thấm ngang,… nên lời khuyên cho quý gia chủ nhà vẫn nên dùng gạch đất sét nung loại tốt.
- Với các vị trí đã xác định trước là sẽ bắt vít để treo đồ nội thất như bệ xí loại gắn tường, chậu rửa, treo đồ nội thất,… thì yêu cầu xây bằng gạch đặc / gạch đinh hoặc ít nhất gạch 2 lỗ để sau này gắn đồ sẽ chắc chắn. Các vị trí chân tường, nhất là tường khu vệ sinh tiếp xúc nước tối thiểu 20cm chân tường cũng nên xây gạch đặc / gạch đinh.
Chú ý Nhà thầu cùng gia chủ phải khảo sát, tính toán các điều kiện thi công để khi làm hạn chế nhất các phát sinh gây ảnh hưởng, ví dụ như ảnh hưởng dây điện gần công trình (nếu có) khi thi công; ngõ hẻm có đủ cho máy móc thi công; có khả năng bị hàng xóm kiện tụng, cản trở; các trục trặc xảy ra khiến công việc bị kéo dài (ví dụ kéo dài chiều sang tối thì cần đến đèn chiếu sáng lại liên quan đến khả năng tải của dây điện, …); công tác hậu cần khi bị kéo dài; thi công vào mùa nóng cao điểm có thể bị trì hoãn vì thời tiết khắc nghiệt hoặc mưa bão lớn; công trình gần các di tích, lễ hội; trụ sở,… có thể một số ngày bị dừng thi công để tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị,…
Công tác tô trát
Quản lý vật tư đầu vào tô trát và nước sạch trộn vữa rất quan trọng. Nếu có thể quý chủ nhà nghiên cứu phương án mua vữa tô trát đóng bao chất lượng sẽ rất bảo đảm.Thông thường tô trát tường cần 3 lớp: trát lót, làm lớp đệm và trát hoàn thiện bề mặt.
- Cần yêu cầu thợ đánh giá bề mặt tường trước khi tô trát, cần phải căng dây để đắp các mốc xác định bề mặt tường sau khi tô trát, khoảng cách các mốc không xa nhau quá 1,5m. Người thợ khi tô trát sẽ dựa trên các mốc này xác định chiều dày lớp vữa. Nhữn chỗ quá nhô ra phải đục bớt (nếu không đục thì chỉ vì chỗ nhô ra này mà làm lớp trát cả bức tường dày thêm để đảm bảo phẳng, rất tốn vữa, nặng nề, dễ gây nứt nẻ).
- Tính toán kỹ lưỡng, một số khu vực sẽ không cần tô trát vì sẽ có vật liệu khác che đậy lên, tránh tô trát lãng phí (ví dụ trên trần thạch cao).
- Việc tô trát tường có nội dung cao trên 2m từ mặt sàn và tô trát mặt ngoài có liên quan đến an toàn lao động, cần chú ý kỹ lưỡng. Lao động cao bên ngoài buộc phải đeo dây đai an toàn bảo vệ.
- Với các đường ống điện ngầm, cần đóng lưới thép trước khi tô trát để giảm nguy cơ nứt mặt trát sau này (nếu chỉ một ống dây nhỏ thì khe cắt tường nhỏ, ống chôn sâu trong tường sao cho lớp tô trát >1,5cm thì có thể không cần lưới thép)
- Hiện đã có máy trộn vữa và máy trát tường. Máy trộn vữa thì đã phổ biến nhưng máy trát tường còn chưa ứng dụng tốt cho xây dựng nhà ở gia đình vì các mảng tường thường nhỏ.
- Phải kiểm soát chặt việc các đội thợ dùng vữa bột hất lên làm khô nhanh bề mặt tô trát để có thể nhanh chóng xoa bề mặt (như đã trình bày trong phần hoàn thiện tại web). Nhưng do rất nhiều đội thợ làm vậy nên cần nhắc lại. Nếu không kiểm soát được vấn đề này thì tường rất dễ rạn nứt, thấm nước,….
-
Câu hỏi / vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau là với vùng tường /trần được che kín ví dụ phía dưới sẽ làm trần thạch cao thì có nên tô trát không? Tùy tình huống cụ thể để có câu trả lời chính xác nhưng đến 90% là không nên vì các lý do:
– Ưu điểm: Bảo vệ kết cấu tốt hơn (thực ra chưa thuyết phục lắm), mai sau có thay đổi phương án trở lại trần vữa thì chỉ việc phá bỏ trần thạch cao rồi sửa lại rất nhanh.
– Nhược điểm: Thêm tốn tiền (tiền công, vật liệu, rộng ra là tài nguyên thiên nhiên và thời gian thi công); che kín một cách không cần thiết các đầu thiết bị, dây điện, đường ống (nếu hở ống sẽ dễ xử lý hơn nhiều khi có sự cố); tạo 1 lớp vữa nên khi bắn vít nở (tắc kê) thì sẽ kém chắc chắn hơn so với tắc kê nằm hoàn toàn trong bê tông hoặc gạch xây); nguy cơ rơi lớp vữa khi có các rung động, chuyển vị kết cấu…
Đắp gờ chỉ kiến trúc sao cho tốt?
Nhiều tổ thợ khi xây thô không chú ý, cứ làm ào ào rồi khi xem bản vẽ mới thấy có gờ chỉ kiến trúc nên đắp bù vào, như hình ảnh dưới đây. Cách làm này rõ ràng là không tốt, sau thời gian sử dụng có thể gây bong tróc, rời ra,…
Đúng ra phải xem bản vẽ, quay gạch ngay từ khi xây đến hàng đó thì mới đảm bảo kỹ thuật bền lâu.
Với các gờ chỉ nhỏ thì không quay gạch ngay nhưng cũng nên đắp từ lúc tô trát ban đầu (tuy làm khó hơn chút). Nhiều tổ thợ cứ tô trát phẳng xong mới đắp thì sẽ dễ thi công hơn nhưng độ bám dính vào cũng hạn chế hơn.
Tường chắn mái thường hay bị nứt, chảy nước qua khe nứt
Nguyên nhân là phần mái trên cùng chịu các điều kiện rất khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu.
Thường khi thiết kế sàn mái các đơn vị thiết kế chỉ thiết kế cao độ cả sàn phẳng đúng bằng cốt mặt sàn bê tông phía trên kéo ra tận mép ngoài. Sau thời gian sử dụng thì có sự co giãn vì nhiệt độ khác nhau, thậm chí bị lớp gạch lát sàn nở ra trong mùa hè, đẩy ngang chân tường nên chân tường chỗ giáp sàn bê tông sẽ bị nứt.
Giải pháp là nên thiết kế bê tông đỉnh đà/ dầm này lên cao thêm khoảng 150cm so với mặt sàn rồi sau đó xây tường lên như hình. Bên trong đoạn tường bê tông cao ~15cm này có đặt thép (ví dụ d10-d12) sẽ làm cho máng sênô này tạo thành một khối vững chắc so với sàn, không bị ảnh hưởng bởi lớp lát mặt sàn (chịu nóng mùa hè khủng khiếp nên dãn nở mạnh).Tốt hơn nữa nếu trên bê tông đặt các thanh thép chờ nhô lên để liên kết vào khối xây phía trên thì càng an tâm. Và như vậy vấn đề kỹ thuật đặt ra khi lát lớp mái này là nên tính toán để xung quanh lớp gạch lát sàn mái này có không gian cho nó “thở”khi trời nóng, lớp gạch chịu nóng mạnh hơn sẽ nở mạnh hơn các vật liệu khác, có thể trượt ngang trên bề mặt sàn bê tông một mức độ nhất định.
Tường thu hồi, hình tam giác cũng bị nứt chân:
Vị trí tường thu hồi cũng tương tự như chắn mái tại mục 5. trên, vị trí nứt cũng thường trên mặt bê tông gần giống mục 5. trên nhưng có nguyên nhân khác: Do nhiệt độ trên mái cao, các kết cấu mái như xà thép có thể giãn nở nên đẩy các bức tường này. Do không tiếp xúc nước nên các vết nứt này ít gặp vấn đề mỹ quan dòng chảy, nhận ra vết nứt nhỏ nếu nhìn từ mặt đất gây mất mỹ quan và có chút nguy hiểm. Để tránh hiện tượng này thì các bức tường biên ngoài không gắn chặt với các kết cấu thép bằng cách hàn mà nghiên cứu dạng gối đỡ, khi đó dàn mái có thể tự do nở mà không xô đẩy bức tường biên. Tuy nhiên do trên mái nên nếu không liên kết kỹ sẽ bị hiện tượng tốc mái đã trình bày trong phần Mái nhà (xin click chuột để xem). Do đó tuy cho các kết cấu thép trượt nhưng vẫn có phần ngăn cản bốc lên (ví dụ cho xà thép vuông trượt được có hàn chụp phía trên). Quý chủ nhà có thể đặt vấn đề với người thiết kế để tìm giải pháp tốt nhất.
Tính toán cho việc lau kính bên ngoài với các nhà nhiều kính
Nên tính toán sẵn lắp đặt các điểm; các khung kết cấu thép sẵn sàng cho lắp ghép khi cần,… để sau này lắp khung thép, băng tời, ròng rọc, móc treo khi cần lau kính bên ngoài bằng cách thả dây. Cũng nên có nguồn nước vào các ống cấp nước khu vực đó để dẫn đến phun rửa bên ngoài kính khi lau kính bên ngoài.
Tính toán cho việc treo bảng hiệu, rèm cửa tránh nắng,…
Tại các vị trí có thể sau này sẽ treo bảng hiệu, rèm tránh nắng, lắp đặt thanh lam gió,…(ví dụ như bên dưới đà / dầm mặt tiền) thì tính toán đặt sẵn các bulong, ốc vít, thanh kim loại ngay từ khi đổ bê tông (tương tự như đặt móc treo quạt trần, đèn chùm trong nhà) thì sau này không phải khoan cắt mà chất lượng liên kết thì rất đảm bảo.